Theo mình quan sát, có rất nhiều anh em dù là dùng bình xịt dưỡng sên hay nhớt thì đều bôi trơn từ mặt ngoài của sên, đặc biệt là sẽ xịt thẳng vào dĩa sau.
Hơn nữa nhiều anh em còn nổ máy để xe tự quay bánh rồi xịt vào và cũng chỉ xịt ngay giữa sên. Sai lầm nhé anh em!
Dù dung dịch bảo dưỡng vẫn bám vào sên nhưng hiệu quả bôi trơn là không hề cao.
Khi bánh xe quay sẽ có lực ly tâm, anh em bôi từ mặt ngoài thì lực ly tâm của bánh xe sẽ làm dung dịch khó đi vào bên trong các chốt sên hơn.
Dung dịch chỉ bám ở mặt ngoài thì hiệu quả bôi trơn sên sẽ rất kém, sai lầm hơn là anh em toàn bôi trơn ở giữa sên.
Thực chất phần chịu ma sát lớn và cần được bôi trơn nhất là các chốt sên bên trong, nếu chỉ xịt giữa sên thì xem như sợi sên chỉ được bôi trơn có 1 phần, giảm độ bền là điều đương nhiên.
Chưa kể, việc nổ máy để bánh quay rồi bôi trơn sên lại còn rất nguy hiểm, không hiếm những trường hợp đã bị rớt cả ngón tay do kẹt vào sên. Đừng dại nhé!
Để bôi trơn sên hiệu quả nhất anh em nên làm theo cách sau
Trước tiên là phải làm sên thật khô để dung dịch bảo dưỡng có thể bám chắc, tự quay sên cho an toàn chứ không được nổ máy.
Xịt dung dịch bảo dưỡng lên 2 bên má sên và xịt ở mặt trong thì hiệu quả bôi trơn mới được cao nhất, lúc này dung dịch sẽ dễ dàng lọt vào các chốt sên bên trong để bôi trơn.
Anh em chú ý, cứ quay sên đến đâu thì xịt đến đó, tránh tình trạng có mắc sên không được bôi trơn hay bôi không đều.
Sau khi xịt đều 2 bên má sên thì anh em mới tiến hành xịt một lượng ít dung dịch vào giữa sên, để con lăng và nhông dĩa cũng được giảm ma sát.
Nếu anh em nào sử dụng nhớt để bôi trơn sên thì cũng nên bôi trơn đúng như cách mình vừa hướng dẫn.
Với dung dịch bảo dưỡng sên chuyên dụng, sau khi xịt lên sên anh em phải để tầm 15 đến 30 phút để dung dịch khô lại bám chặt vào sên rồi mới nên sử dụng xe.
Với cách trên mình tin rằng sợi sên của xe anh em sẽ được phủ đều lớp bảo dưỡng và cho độ bền được cao nhất.