Sau mỗi đoạn đường ngập nước là hàng loạt anh em cố gắng đề máy xe với hy vọng có thể chạy xe về nhà. Chiếc thì nổ được rồi lại tắt, chiếc thì đề đạp trong vô vọng.
Khi một chiếc xe đã bị ngập nước dẫn đến chết máy thì khả năng rất cao động cơ bên trong đã bị vào nước, cố gắng đề máy lúc này chỉ làm các chi tiết động cơ thêm hư hỏng.
Một khi nước đã vào nếu không được vệ sinh lại thì rất khó để động cơ có thể nổ máy được, đó là điều anh em cần biết.
Cách đơn giản nhất là tháo bugi ra để thổi nhưng đâu phải ai cũng biết làm, vậy nên nếu không tìm được người sửa thì anh em không nên cố đề máy.
Trường hợp cứ cố gắng đề máy thì khả năng bộ đề bị cháy là rất cao do quá nhiệt, hết bình điện.
Nguy hiểm hơn là động cơ có thể bị thủy kích dẫn đến những hư hỏng nghiêm trọng. Với xe PKL thì hiện tượng thủy kích càng dễ xảy ra.
Nói cho dễ hiểu thì khi xe bị thủy kích anh em buộc lòng phải tháo động cơ ra và thay những chi tiết hư hỏng, đó có thể là: xy-lanh, thanh truyền (tay dên), piston, cam, cò…
Nếu tính sơ, hư bộ đề cũng đã tốn của anh em từ vài trăm đến hơn cả triệu đồng tùy xe, sạc lại bình chỉ tốn vài chục nghìn nhưng chẳng may bị thủy kích thì tốn tiền triệu là điều chắc chắn.
Với trường hợp xe bị chết máy thì mình có lời khuyên dành cho anh em như sau.
Hãy đưa xe đến chỗ hết ngập, nghiêng xe cho nước trong ống pô thoát hết ra sau đó chỉ thử đề xe 1 hoặc 2 lần, nếu không nổ máy được thì phải tháo bugi ra để thổi khô (anh em có thể nhờ người khác làm nếu không biết).
Trường hợp không có ai giúp thì chỉ còn cách đẩy xe đi sửa hoặc gọi điện cho người thân nhờ sự trợ giúp.
Cố gắng đề máy thì anh em biết hậu quả phía trên rồi đấy.
Chú ý, dù có khởi động lại được xe để chạy thì sau khi về nhà anh em phải kiểm tra bảo dưỡng lại cho động cơ, đặc biệt chú ý đến việc thay nhớt xe.