Vì thế, những đoàn cứu trợ hay anh em có việc buộc phải đi ngang qua các tỉnh miền Trung cần phải lưu ý để tránh những rủi ro không mong muốn.
Nhiều tuyến giao thông ở khu vực miền Trung đã bị ngưng trệ. Trong đó, đáng chú ý là Quốc lộ 1 tại khu vực Quảng Bình và Hà Tĩnh.
Một số khu vực nóng:
- Quốc lộ 1 cũ đi qua huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Quốc lộ 1A thuộc khu vực TP Đồng Hới, nước vẫn còn ngập sâu.
- Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Quảng Bình cũng bị ngập tại đoạn thuộc huyện Bố Trạch. Một số điểm nhánh Tây đường Hồ Chí Minh bị ngập chưa thể lưu thông, đồng thời có điểm sạt lở taluy.
- Quốc lộ 12A đoạn qua xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, trước cửa Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã bị nứt gãy rất nặng do sạt lở đất. Hai chiều của tuyến đường đã bị cấm, không cho phương tiện đi qua.
- Tại khu vực Hà Tĩnh, Quốc lộ 1 đoạn qua trung tâm thành phố và huyện Cẩm Xuyên, các phương tiện chưa thể lưu thông vì tiếp tục bị ngập sâu.
- Trên tuyến Quốc lộ 12C (đoạn tiếp giáp với tỉnh Quảng Bình), điểm sạt lở nặng là tại Km52.
Một số tuyến đường khác cũng đã ngập sâu và bị chia cắt nên một số lực lượng được phân công trực chốt để khuyến cáo và điều hướng người dân, tiến hành phân luồng. Số khác thì phải chờ khi nước rút mới có thể tiếp tục di chuyển.
Rủi ro khi qua đường ngập sâu là rất cao vì có nguy cơ bị thủy kích, nhất là trên ô tô. Nước sẽ tràn vào đường ống hút gió, làm chết máy và nếu tiếp tục khởi động sẽ làm hỏng động cơ. Thiệt hại do thủy kích trên ô tô là rất lớn, có thể tốn cả trăm triệu để sửa.
Còn những đoạn ngập vừa phải, có thể qua được, tài xế nên tắt các thiết bị không cần thiết như điều hòa, hệ thống giải trí vì vừa giúp giảm tải cho động cơ vừa hạn chế hỏng hóc do vận hành khi ngập nước.
Điều khiển đều ga và di chuyển chậm, nên chuyển sang số tay hoặc đi ở số thấp, hạn chế chạy gần những xe khác vì có thể tạo ra những sóng nước gây mất an toàn.