Như anh em cũng biết, khi phanh hoạt động bố thắng sẽ sinh ra rất nhiều bụi mịn do ma sát với đĩa, chính phần bụi này có thể tạo nên hiện tượng chai hoặc cháy bố thắng.
Bố thắng đĩa thường có các rãnh ở giữa để xác định độ mòn bố và vừa góp phần loại bỏ phần bụi sinh ra khi phanh hoạt động.
Tuy nhiên, bụi thường bị đóng lại trên các đường rãnh này, khi để lâu gây ra hiện tượng chai dần một phần bố thắng làm hiệu xuất phanh của xe bị giảm đi.
Điều này cũng lý giải việc khi mới thay bố thắng thì phanh lại rất ăn, sau một thời gian phanh lại bắt đầu bị yếu dần.
Ngoài gây chai bố thắng, khi sử dụng lâu ngày các hạt sỏi đá bám vào còn làm đĩa và bố thắng bị mòn không đều, tạo ra các rãnh trên 2 bộ phận này.
Càng phải chú ý vệ sinh phanh xe nếu đó là phanh tang trống. Bởi hệ thống phanh này được làm kín giữa mâm xe, lượng bụi sinh ra không thể thoát ra ngoài mà thường bám quanh, dễ làm chai cháy bố thắng.
Thực ra, vệ sinh phanh rất dễ và nếu là phanh đĩa thì anh em hoàn toàn có thể thực hiện nhanh chóng mà chẳng cần phải biết quá nhiều về kỹ thuật.
Trên đa số các dòng xe máy hiện nay, để tháo bố thắng đĩa ra chỉ cần anh em mở đúng 1 con ốc cố định bố thắng duy nhất.
Cách vệ sinh là rửa sạch lại bố thắng để loại bỏ phần bụi bám chặt trong các đường rãnh, sau đó sử dụng giấy nhám để chà sạch phần bị chai cháy trên bố thắng, đồng thời cũng tạo lại mặt phẳng cho bộ phận này.
Khi đĩa phanh xuất hiện các đường rãnh, anh em cũng có thể sử dụng giấy nhám để làm phẳng lại bề mặt.
Đối với phanh tang trống việc tháo ra có khó khăn hơn nhưng các bước vệ sinh thì cũng tương tự trên, có điều không cần chà cho bố phanh phẳng lại vì đây là loại bố phanh hình bán nguyệt.
Nếu cảm thấy khó anh em có thể yêu cầu nhân viên kỹ thuật vệ sinh hệ thống phanh giúp khi đưa xe đi bảo dưỡng tại các hãng xe.
Với mình, việc vệ sinh hệ thống phanh có thể thực hiện khoảng 6 tháng 1 lần hoặc sớm hơn nếu anh em sử dụng xe nhiều, nên vệ sinh lúc cảm giác hệ thống thắng đã yếu dần.