Sên là bộ phận dẫn động chính từ động cơ đến bánh, nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành của xe.
Với quan niệm của đaị đa số người dùng, sợi sên có vẻ không quan trọng, nhưng thực chất nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành của xe.
Nếu không được vệ sinh và bảo dưỡng đúng cách thì sên sẽ xuống cấp nhanh và làm công suất máy truyền xuống bánh xe bị giảm, phát ra tiếng kêu khó chịu và đặc biệt tuổi thọ của nó sẽ giảm đi rất nhiều.
Với những sợi sên có bọc sên bên ngoài sẽ hạn chế được ảnh hưởng từ tác động của môi trường như: đất đá, bùn, nước… nhưng với những dòng xe sử dụng sên trần, thì những tác động này sẽ ảnh hưởng khá nhiều.
Chính vì vậy việc chăm sóc sên cần thường xuyên hơn.
Khi nào cần vệ sinh sên?
Còn tùy vào nhu cầu sử dụng nhiều hay ít và điều kiện hoạt động ra sao, mà chúng ta sẽ có khoảng thời gian vệ sinh hợp lý.
Tốt nhất là khi thấy cọng sên đã bắt đầu mất đi những chất bôi trơn và bắt đầu phát ra tiếng kêu thì chúng ta vệ sinh là hợp lý.
Tránh tình trạng để sên quá khô, không còn chất bôi trơn và đất cát bám đầy cọng sên.
Tự vệ sinh sên như thế nào?
Bước 1: Tháo phần bọc sên ra (nếu có), đặc biệt phải tháo nắp chắn nhông sên ra để vệ sinh, nếu không những chất bẩn vẫn còn bám phía trong phần nhông, sẽ khiến cọng sên bị bẩn trở lại một cách nhanh chóng.
Bước 2: Sử dụng những dung dịch chuyên dụng để rửa sên và xịt trực tiếp vào toàn bộ cọng sên và cả nhông dĩa, có thể sử dụng dầu DO (dầu hôi) để vệ sinh trong trường hợp sên không có phốt cao su.
Bước 3: Đợi khoảng 2-3 phút cho dung dịch có thể thấm vào toàn bộ vết bẩn. Sau đó chúng ta sử dụng cây chà chuyên dụng hoặc trong trường hợp bắt đắc dĩ chúng ta có thể sử dụng bàn chải đánh răng để thay thế.
Chà sạch mọi vị trí trên cọng sên và cả trên nhông dĩa.
Bước 4: Dùng vòi nước có áp suất lớn xịt trực tiếp vào sên để mọi vết bẩn được tẩy sạch, sau đó dùng khăn lau sạch nước bám trên sên.
Có thể khởi động máy và cho bánh xe chạy tại chỗ để sên nóng lên và khô sạch nước (khi cho xe chạy tại chỗ phải chú ý cẩn thận để tránh những sự cố có thể xảy ra).
Bước 5: Sử dụng dung dịch bôi trơn chuyên dụng để xịt cho sên, trong trường hợp nếu không có những loại dung dịch đó, chúng ta có thể thay thế bằng nhớt để bôi cho sên (lưu ý, phải là nhớt sạch chưa qua sử dụng).
Nếu dùng những loại nhớt thải để bôi lên sẽ khiến sên nhanh hư hỏng và khả năng bôi trơn cũng kém.
Khi sử dụng bình xịt dung dịch bôi trơn cho sên
Chúng ta có thể lấy một tấm giấy che giữa sợi sên và bánh xe, để hạng chế được tình trạng dung dịch văng vào bánh xe, làm bánh xe bị trượt và dễ bám bụi bẩn.
Xịt dung dịch vừa đủ bám đều khắp sợi sên, không xịt quá nhiều khiến dung dịch dễ văng ra ngoài khi hoạt động.
Sau khi bôi trơn cho sên chúng ta có thể dùng khăn khô, lau hai bên thành sên và những vị trí không cần thiết phải bôi trơn trên nhông dĩa, để hạng chế bị bám bụi bẩn.
Sau khi sử dụng những dung dịch chuyên dụng để bôi trơn, chúng ta nên để xe sau khoảng 15 phút trước khi sử dụng, để dung dịch có thể bám chặt vào sên.
VIDEO HƯỚNG DẪN TỰ VỆ SINH SÊN TẠI NHÀ CHI TIẾT