Người thì làm theo sách, người thì chê – điều này là bình thường vì cách sử dụng của mỗi người khác nhau nên không thể nào đặt ra một nguyên tắc chung được.
Sách hướng dẫn sử dụng cũng vậy, trong đó sẽ ghi rất chi tiết về việc sử dụng xe, công năng của từng món đồ và cả việc bảo dưỡng.
Đồng ý là các chi tiết linh kiện nếu như theo sách thường sẽ có mức thời gian thay rất sớm, khác xa so với lúc sử dụng thực tế.
Nhưng đó chỉ là mức tối thiểu, khuyến khích nên thay chứ không phải là mức tối đa buộc phải thay.
Sách vở cũng là một phần, dùng để tham khảo và hiểu chiếc xe được nhiều hơn, việc sử dụng còn lại phụ thuộc vào người sử dụng.
Một điều chắc chắn với cách bảo dưỡng thay thế thường xuyên những món cần thiết trên xe sẽ giữ được độ bền cao hơn.
Cụ thể như nhớt, một chiếc xe được thay nhớt định kỳ thì máy móc bên trong sẽ được bảo vệ tốt hơn, hạn chế được những xước xát khi sử dụng lâu dài.
Còn xe nào mà cứ để hơn 10.000 km mới thay nhớt một lần thì có thể không hư liền đâu nhưng những hao mòn bên trong chắc chắn sẽ có.
Chiếc Winner 150 này đã chạy hơn 40.000 km và khi tháo máy ra kiểm tra thì vẫn sạch sẽ sạch sẽ như lúc mới mua.
Ngoài ra, nhiều món khác cũng cần phải theo dõi và nhớ thay thế như nhông sên dĩa, má phanh hay lốp. Mấy món này liên quan trực tiếp đến việc vận hành nên sẽ ảnh hưởng tới độ an toàn khi chạy xe.
Lốp mòn, mặt cao su đã chai thì vẫn chạy được đó nhưng lúc đó độ bám đã giảm đi nhiều, bình thường thì không sao rồi đến lúc gặp sự cố mới thấy trơn đến mức nào, đặc biệt là lúc trời mưa.
Mình thấy đã mua một con xe mấy chục triệu để đi rồi thì đầu tư thêm tí chi phí bảo dưỡng, cũng chẳng bao nhiêu cả. Một lần thay như vậy có thể dùng tiếp được từ vài nghìn cho đến vài chục nghìn cây số mới cần thay tiếp.