Mùa mưa bão ngập lụt thường xuyên thế này mà không biết cách bảo quản xe thì hậu quả khó lường.
Mới đợt vừa rồi, nhiều anh em đã phải khóc thét vì xe bị ngập lụt, điển hình như bạn Winner X với hóa đơn sửa chữa hơn 4 triệu đồng.
Vài phút bốc đồng mà phải chịu vài ngày bốc bát.
Nên quan sát thấy mà đường ngập quá thì đừng có cố nhé, còn nếu qua được rồi cũng cần phải làm những điều sau.
Ngập không quá sâu
Điều đầu tiên chắc chắn phải làm là vệ sinh xe sạch sẽ, không cần kĩ đến mức rửa siêu sạch, tháo bung dàn áo đâu vì hôm sau cũng mắc mưa nữa thôi.
Anh em hãy rửa kỹ vào lốc máy, hệ thống phanh (má phanh, dĩa phanh), nhông sên dĩa, mâm, lốp.
Những vị trí này rất quan trọng khi vận hành xe cũng như hay tiếp xúc nhiều với đất cát nên dễ bị rỉ sét.
Nếu có sẵn vòi xịt áp suất thì tiện, cứ xịt thẳng vào mấy món trên và đừng xịt vào ống pô hay két nước là được.
Còn không có thì chịu khó tí, dùng vòi nước thường kết hợp với khăn, bàn chải để làm thôi.
Ngoài ra, anh em ở chung cư hay nơi không có điều kiện rửa, có thể dùng những sản phẩm vệ sinh chuyên dùng cho từng món ở trên: Dung dịch vệ sinh sên, má phanh, tẩy rỉ sét … có thể tìm mua rất dễ.
Ngập bơi trong nước
Ca này thì nặng hơn, nhiều khi lúc đầu thấy không sâu nhưng càng đi càng ngập, đến lúc qua tới nửa thân xe rồi thì hết đường lui.
Lúc này nếu như xe bị tắt máy, không chạy được nữa thì anh em đừng cố gắng khởi động lại, cứ để cho nó ngủm đi, chịu khó dắt về nhà rồi hôm sau lại dắt đi kiểm tra.
Còn qua được với tình trạng ngập sâu như vậy thì khả năng cao động cơ cũng bị vô nước, hãy tiến hành thay nhớt ngay khi có thể.
Nhớt xả ra mà thấy màu như cà phê sữa có nghĩa là nước vào khá nhiều, cần làm thêm bước súc rửa động cơ cũng như là vệ sinh họng xăng họng gió.
Những xe côn tay hiện nay có vị trí đặt bình điện khá cao nhưng cũng không thể chủ quan, hãy kiểm tra đo đạc lại luôn dàn điện để đảm bảo hơn.
Chiêu cuối
Mình cũng đã chia sẻ nhiều nhưng thôi cũng muốn nhấn mạnh lại lần nữa, thấy đường ngập quá thì đừng vội vã, hậu quả rồi cũng chính bản thân anh em chịu.
Thong thả chọn một nơi nghỉ ngơi, ở lại công ty một tí cũng được, đợi cho nước rút bớt rồi về.
Còn nếu gấp quá thì cũng phải biết vài môn phái lội nước, anh em có thể tìm “Buộc phải chạy qua đường ngập nước, chạy làm sao cho an toàn? – Xe côn tay #24” mà Chuẩn xe từng chia sẻ, để tránh bị tắt máy giữa chừng nhé!