Xe bay, phương tiện linh động phù hợp cả đất liền và không trung, đã là giấc mơ của nhân loại bao lâu nay. Giấc mơ đó đã trở thành hiện thực, cho dù chỉ là đối với một số ít người ở thời điểm hiện tại.
Mong muốn phát triển một phương tiện sẽ có thể di chuyển trên cả mặt đất và bầu trời, công ty Klein Vision của Slovakia đã quyết định phát triển một sản phẩm được gọi là AirCar. Nguyên mẫu AirCar cuối cùng đã được giới thiệu trước công chúng trong năm 2019, tại sự kiện CIIE ở Thượng Hải, Trung Quốc, và rồi đã liên tục chạy thử nghiệm tại sân bây kể từ đó.
AirCar là mẫu xe bay được phát triển bởi công ty Klein Vision ở Slovakia
Mới đây, Klein Vision tự hào tuyên bố rằng AirCar đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên. Lần bay thử này đã được thực hiện tại Sân bay Piestany ở Slovakia và bao gồm hai lần cất cánh và hai lần hạ cánh, tất cả đều thành công tốt đẹp. Dưới đây là video ghi lại quá trình bay thử:
Video Klein Vision AirCar thực hiện chuyến bay đầu tiên
Khi đạt được cột mốc quan trọng này với AirCar, Klein Vision tự tin rằng công ty có thể cung cấp mẫu sản xuất đầu tiên trong vòng 6 tháng tới. Họ chỉ mất 18 tháng để đưa nguyên mẫu từ ý tưởng đến phương tiện hoạt động thực tế, do vậy thời gian 6 tháng này là hợp lý. Hơn nữa, họ cũng đang nghiên cứu các biến thể của mẫu xe bay này và lập kế hoạch cung cấp các phiên bản 2 và 4 chỗ, một phiên bản trang bị hai động cơ và một phiên bản mang tính lưỡng cư.
AirCar mới thực hiện chuyến bay thử thành công đầu tiên
AirCar, như chúng ta thấy ở video trên, về bản chất là một chiếc ô tô trên đất liền và một chiếc máy bay nhỏ ở trên không. Sự biến đổi giữa 2 hình thái chỉ mất chưa đầy 3 phút nhờ có hệ thống cánh gấp và đuôi thu vào. Nó có cự li di chuyển lên tới 1.000 km và tốc độ tối đa 200 km/h, cho dù Klein Vision không nói rõ đây là thông số của chế độ bay hay là đi trên đường.
Klein Vision dự định sản xuất bản thương mại đầu tiên của AirCar trong 6 tháng tới
Nhìn chung, đây là tin tức tuyệt vời đối với những ai quan tâm đến xe bay, và là một thành tựu lớn đối với Klein Vision. Nhưng công ty Slovakia vẫn đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp lớn lao này, tương tự các nhà chế tạo xe bay khác: đăng ký phương tiện để sử dụng trên đường là một nhiệm vụ tương đối dễ dàng, nhưng lấy được chứng nhận hàng không lại là một vấn đề hoàn toàn khác, tốn kém hơn và mất thời gian hơn nhiều.
So sánh với các phương tiện eVTOL, AirCar có lợi thế hơn. “Với AirCar, bạn sẽ đến đích mà không cần tìm phương tiện đi đến sân bay và trải qua hệ thống an ninh thương mại, bạn có thể lái AirCar đến sân gôn, văn phòng, trung tâm mua sắm hoặc khách sạn và đỗ nó ở một bãi đỗ xe bình thường,” Anton Zajac, nhà đồng sáng lập, nhà đầu tư và phi công của Klein Vision, nói trong một tuyên bố.
Duy Thành