Hệ thống chống bó cứng phanh ABS giúp bánh xe không bị khóa cứng khi bóp phanh đột ngột, tuy nhiên nó lại tăng quãng đường phanh lên đáng kể trong một vài trường hợp.
Những hình ảnh được cho là của Yamaha Exciter thế hệ mới lan truyền trên mạng xã hội những ngày gần đây thu hút được rất nhiều chú ý từ khách hàng. Được biết một trong những nâng cấp được kỳ vọng nhất trên chiếc côn tay của Yamaha là hệ thống phanh chống bó cứng ABS.
Phần đông người dùng cho rằng trang bị phanh ABS là cần thiết cho Yamaha Exciter thế hệ mới vì giúp người lái tự tin hơn khi bóp phanh, đặc biệt là khi mặt đường có nước, cát… Thế nhưng, hệ thống phanh ABS có thật sự “thần thánh” như nhiều người vẫn nghĩ?
Hệ thống phanh ABS là gì?
BMW K100 là chiếc xe máy đầu tiên được trang bị công nghệ chống bó cứng phanh ABS. Ảnh: Motorcycle Specs.
Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1978 trên dòng xe S-Class của Mercedes-Benz, hệ thống chống bó cứng phanh ABS (Anti-lock Braking System) dần trở nên phổ biến và bắt buộc ở một số quốc gia. 10 năm sau, BMW K100 là chiếc xe máy đầu tiên được trang bị phanh ABS.
Hầu hết mẫu xe phân khối lớn hiện nay như BMW S 1000 RR, Yamaha YZF-R1, KTM Duke 1290… đều có phanh ABS là trang bị tiêu chuẩn. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, phanh ABS dần trở nên phổ biến trên các mẫu xe máy phổ thông như Yamaha Grande Hybrid, Honda Winner X, Vespa Sprint…
Về cấu tạo, hệ thống phanh ABS bao gồm 4 bộ phận chính sau:
Bộ điều khiển trung tâm (ECU)Bộ cảm biến tốc độ gắn trên bánh xe
Hệ thống van phân phối lực phanh
Hệ thống bơm
Nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh ABS
Trên mỗi bánh xe có phanh ABS đều được trang bị một bộ cảm biến tốc độ kết nối với bộ điều khiển trung tâm. Bộ điều khiển này liên tục nhận tín hiệu từ cảm biến tốc độ, khi phát hiện bánh xe dừng quay hoặc giảm tốc quá nhanh so với bình thường, hay có bánh quay chậm hơn bánh còn lại, bộ điều khiển trung tâm sẽ gửi tín hiệu đến các van phân phối lực phanh giúp giảm lực phanh truyền xuống kẹp phanh, cho phép bánh xe tiếp tục được quay.
Hoạt động ngắt áp lực phanh và kích hoạt lại lực phanh được thực hiện nhiều lần trong một giây nhờ tín hiệu truyền từ bộ điều khiển trung tâm. Nếu đã từng sử dụng qua xe có trang bị phanh ABS, chắc hẳn người lái sẽ cảm nhận được lực truyền ngược về tay phanh khi bóp phanh mạnh và đột ngột, đó là lúc phanh ABS được kích hoạt.
Cảm nhận lực phanh là kỹ năng quan trọng đối với người điều khiển xe.
Trước khi phanh ABS được phát minh, các tài xế thường phải học cách cảm nhận lực phanh tối đa trên xe của mình (threshold braking). Tuy nhiên việc cảm nhận lực phanh không phải lúc nào cũng chính xác, nó còn phải phụ thuộc vào loại lốp, điều kiện mặt đường…
Hiểu một cách đơn giản, hệ thống phanh ABS cho phép người lái có thể bóp cứng phanh đột ngột trong trường hợp khẩn cấp mà không sợ bánh xe bị khóa cứng.
Phanh ABS có thật sự giúp người lái phanh an toàn hơn?
Một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu tai nạn thuộc Đại học Monash (Australia) cho biết phanh ABS có thể giảm 31% tỷ lệ tử vong trong các vụ tai nạn xe máy. Tại Việt Nam, phần lớn các mẫu xe có giá bán khoảng 40 triệu đồng trở lên đều được trang bị phanh ABS, đặc biệt là các dòng xe tay ga.
Bên cạnh ưu điểm, hệ thống phanh ABS cũng tồn tại những nhược điểm như tăng quãng đường phanh trong một số điều kiện mặt đường nhất định, tăng khối lượng xe, khó sửa chữa…
Do đặc tính liên tục nhấp/nhả kẹp phanh để giúp bánh xe không bị trượt, phanh ABS lại vô tình kéo dài quãng đường phanh. Bù lại, người lái có thể yên tâm khi bóp phanh đột ngột mà không lo bị khóa bánh. Tuy nhiên, để kính hoạt được hệ thống phanh ABS, người lái phải bóp phanh hết lực.
Thông thường, xe có ABS nặng hơn xe trang bị phanh thông thường 1-2 kg. Chẳng hạn như Yamaha FreeGo ABS nặng 102 kg, trong khi FreeGo tiêu chuẩn (không trang bị phanh ABS) nặng 100 kg. Hay Honda Winner tiêu chuẩn có khối lượng 123 kg, Winner ABS là 124 kg.
Tóm lại, việc trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS là một bổ sung đáng giá cho Yamaha Exciter thế hệ mới, nó giúp người lái an toàn hơn khi di chuyển nhờ giảm thiểu được việc trượt bánh khi bóp phanh đột ngột. Ngoài ra, đây còn là một nâng cấp giúp cho Exciter cạnh tranh mạnh mẽ hơn với Honda Winner X.
Về phía người dùng, phần đông sẽ cảm thấy an toàn hơn khi xe có trang bị phanh ABS, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp mà người điều khiển dễ giật mình và có phản xạ phanh gấp. Số ít người lái xe dày dặn kinh nghiệm sẽ muốn chiếc xe không có phanh ABS để có thể chủ động lực phanh, giảm tối thiểu quãng đường phanh cũng như khả năng giảm tốc.
Tuy nhiên người điều khiển xe không nên quá phụ thuộc vào ABS, cần tự trang bị cho mình những kỹ năng lái xe để có thể làm chủ phương tiện trong những tình huống nguy hiểm.