Nhiều người nghĩ rằng chức năng phanh là để dừng xe, mặc dù chức năng thực sự là để xe giảm tốc độ.
Trong một số trường hợp, khi phát hiện nguy cơ va chạm, nhiều người sẽ có xu hướng hoảng sợ và vội vàng dùng hết lực phanh trên xe. Điều này có thể dẫn đến những rủi ro không mong muốn.
Chuẩn xe đã từng chia sẻ chi tiết về các thao tác khi phanh khẩn cấp, anh em có thể theo dõi phía cuối bài.
Quan trọng nhất là kỹ thuật phải đúng và duy trì được sự an toàn – để làm được điều này, anh em phải cần có tâm lý thật vững, đặc biệt là khi phanh ở tốc độ cao.
Thế nên, anh em hãy tập thói quen thả lỏng cơ thể khi phanh, cố gắng thư giãn và không hoảng sợ. Sau đó, việc hiểu các bước để phanh an toàn là cần thiết và đây là lúc áp dụng.
Bắt đầu từ việc hạ hết tay ga (không kéo ga), tiếp tục siết tay phanh trước theo nguyên tắc từ nhẹ đến mạnh dần và đạp phanh sau một lực vừa phải cho đến khi xe đã giảm được tốc độ đáng kể thì siết hết đồng thời cả phanh trước và phanh sau.
Vị trí của các ngón tay cũng phải được xem xét, không phải ngón tay nào cũng có thể nắm được cần phanh vì điều này liên quan đến tình huống và điều kiện thực tế.
Khi phanh khẩn cấp, anh em sử dụng đồng thời bốn ngón tay, để điều tiết lực siết từ nhẹ đến mạnh dễ dàng hơn và khi cần, cũng đủ lực để siết hết phanh nhanh hơn.
Đối với những dòng xe số, xe côn tay, mô tô, anh em có thể thực hiện đồng thời với phanh động cơ để mang lại hiệu quả tốt hơn. Việc này sẽ hơi khó và cần nhiều thời gian tập luyện.
Anh em có thể tập trước thao tác dồn số mà Chuẩn Xe chia sẻ dưới cuối bài, là một bước đệm để tập phanh động cơ tốt hơn.
Một thói quen cần bỏ đó là đặt hờ ngón trỏ lên cần phanh trước khi lái xe, việc này sẽ khiến cho thao tác phanh khẩn cấp trở nên lúng túng cũng như sẽ bị kéo ga khi phanh.
Nên nắm chặt tất cả các ngón tay vào báng ga khi chạy xe và chỉ đặt tay lên tay phanh khi cần giảm tốc hay dừng lại.