Có hai con đường để bạn sở hữu một chiếc xe hiệu suất cao độ. Một là bạn có thể mua một chiếc xe phổ thông và rồi gửi nó tới một số công ty độ xe đẳng cấp thế giới. Hai là bạn có thể mua một chiếc xe đã được độ lại bởi một trong những bộ phận độ nội bộ của chính nhà sản xuất. Tuy nhiên, không phải nhà sản xuất xe nào cũng có một bộ phận chuyên độ xe tốc độ cao, kể cả nếu họ có làm vài phiên bản hiệu xuất cao của một mẫu xe cụ thể. Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một số bộ phận xe hiệu suất cao nội bộ nổi bật nhất trên thế giới.
Ford Special Vehicle Team (SVT)
SVT là bộ phận hiệu suất cao của Ford với nhiệm tập trung chế tạo các phiên bản độ của xe Ford tại Mỹ. SVT được hình thành trong năm 1991 và chính thức thành lập trong năm 1992 để tạo nên những chiếc xe đáp ứng nhu cầu của những tay lái “hardcore” nhất. Đồng thời, những chiếc xe hiệu suất cao đó cũng đóng vai trò hấp dẫn thêm người mua tới thương hiệu.
Chiếc xe đầu tiên mang dấu ấn SVT là SVT Mustang Cobra 1993. Kể từ đó, SVT đã không ngừng cung cấp ra thị trường những mẫu xe hiệu suất cao, số lượng thấp bao gồm Mustang Cobra và Cobra R, bán tải SVT Lightning, và gần đây hơn là Ford GT và Ford Raptor.
BMW M
Bộ phận M nổi tiếng của BMW đã tồn tại từ lâu. Nó ra đời trong tháng 5 năm 1972 với chỉ 35 nhân viên làm việc dưới mái nhà chung BMW Motorsport. Dự án chính thức đầu tiên của họ là xe đua BMW 3.0 CSL và phiên bản đặc biệt hợp pháp đi đường của nó. Bộ phận M nhanh chóng trở nên nổi tiếng, nhưng mẫu xe mang huy hiệu M đầu tiên là siêu xe M1 phi thường mà yểu mệnh ra mắt trong năm 1978.
Sau đó, mẫu M535i 1979 ra đời với vai trò 5 Series hiệu suất cao, nhưng chiếc M5 1985 huyền thoại đã biến huy hiệu M trở thành một thứ vô cùng đặc biệt. Tiếp đó là mẫu M3 1986 mà giúp BMW trở thành một biểu tượng hiệu suất cao. Ngày nay, BMW có đầy những chiếc sedan và SUV mang huy hiệu M, và chiếc nào cũng nhanh chóng mặt.
Street & Racing Technology (SRT)
Bộ phận SRT của Fiat Chrysler Automobiles đã phát triển từ Team Viper, đội ngũ đưa chiếc Dodge Viper trang bị V10 điên rồ lên đường phố. Nhóm này sau đó được hợp nhất với Team Prowler để thành lập Specialty Vehicle Engineering (SVE). Quá trình phát triển liên tục đã chứng kiến nhóm trở thành Performance Vehicle Operations (PVO) trong một thời gian ngắn. PVO đã sử dụng SRT làm tên thương hiệu, nhưng đến năm 2004, nhóm chính thức được đổi tên thành SRT.
Các chiếc xe được sản xuất bởi bộ phận SRT thường nhận được khung gầm nâng cấp, nhưng điểm đặc trưng của mọi chiếc xe mang huy hiệu SRT là một động cơ siêu mạnh. SRT đã động tay lên nhiều mẫu xe Dodge, Chrysler, và sau này là cả Jeep. Hiện tại, SRT đang thống trị cuộc chiến mã lực “giá mềm” với các mẫu Challenger và Charger và Jeep Grand Cherokee Trackhawk.
Hyundai N
Bộ phận N của Hyundai là một người mới trong sân chơi hiệu xuất cao của ngành ô tô. Nó ra mắt trong năm 2013 khi hé lộ chiếc xe đua i20 WRC, sẵn sàng thi đấu tại World Rally Championship 2014. Sau đó, cựu giám đốc bộ phận BMW M, Albert Biermann, đã được tuyển dụng làm phó chủ tịch của Hyundai N.
Bộ phận N đã có thành công trên cả đường đua việt dã lẫn đường phố, nhưng phải đến năm 2017 thì họ mới cho ra đời xe đi đường phố hiệu suất cao đầu tiên là i30 N. Sau đó, họ đã sản xuất Veloster N cho năm 2019, và cho năm 2020 là I20 N. Mặc dù còn non trẻ, song Hyundai N đang nhanh chóng chứng minh bản thân trong vai nhà sản xuất xe đáng tin cậy với người mê tốc độ.
Mercedes-AMG
AMG khởi nghiệp với tư cách là đơn vị chế tạo động cơ độc lập cho xe Mercedes trong năm 1967, được thành lập bởi các cựu kỹ sư Mercedes là Hans Werner Aufrecht và Erhard Melcher. Theo năm tháng, công ty chuyển sang phát triển những chiếc xe tùy chỉnh được xây dựng trên khung gầm của Mercedes với thành công đến nỗi DaimlerChrysler AG, chủ sở hữu của Mercedes thời đó, đã mua 51% cổ phần của công ty trong năm 1999.
Sau đó trong năm 2005, Daimler đã mua số cổ phần còn lại của Aufrecht, và AMG bây giờ được sở hữu hoàn toàn bởi công ty mẹ của Mercedes. Danh sách các mẫu xe AMG rất phong phú, và điểm đặc trưng của họ là công suất tào bạo pha trộn với vẻ sang trọng của Mercedes. Trong những năm gần đây, AMG đã tiếp nhận toàn bộ quyền phát triển một số mẫu xe, bắt đầu với AMG GT, và sau đó là Mercedes-Benz SL-Class thế hệ tiếp theo.
Toyota Racing Development (TRD)
Toyota Racing Development có vai trò hỗ trợ sở thích đua xe của Toyota trên toàn thế giới và chịu trách nhiệm phát triển các phiên bản hiệu suất cao của xe sản xuất phổ thong. Hiện tại có hai chi nhánh của TRD: TRD Nhật Bản và TRD Mỹ, cho dù Úc cũng từng có một chi nhánh hoạt động từ năm 2007 đến năm 2009. TRD cung cấp các phụ tùng độ, và từng bán phiên bản siêu nạp của các động cơ thường. Tuy nhiên, bộ phận này nổi tiếng nhất nhờ các mẫu xe mang huy hiệu TRD và đặc biệt là những phương tiện đi off-road.
Hiện tại, Toyota có bán 4 biến bản TRD ở thị trường Mỹ, với Avalon TRD và Camry TRD đóng vai trò phiên bản chất thể thao nhất nhờ hệ thống treo, phanh nâng cấp, và bộ kit thân vỏ trông táo bạo hơn. Còn Tacoma và Sequoia có phiên bản TRD Sport với hiệu suất nâng cao trên đường phố, trong khi gói trang bị TRD Off-Road sẽ tăng cường khả năng đi địa hình.
Nismo
Bộ phận độ xe của Nissan đã được thành lập trong năm 1984 nhưng trở thành huyền thoại trên khắp thế giới sau khi cho ra đời mẫu xe thứ hai, Skyline GT-R Nismo 1990. Những chiếc xe đầu tiên của Nismo đã dựa trên năng lực chế tạo xe đua của Nissan nhưng những chiếc tiếp theo như R33 Skyline 400R và S14 Silvia 270R đã cho thấy khả năng độ phù hợp đi đường phố.
Nismo cung cấp các bộ kit độ xe và những chiếc xe huy hiệu Nismo được chế tạo sẵn. Hai mẫu Sentra và Juke đều có cách phiên bản Nismo, nhưng “ông tổ” của xe Nismo hiện đại phải là GT-R NISMO. Họ biến chiếc coupe vốn đã ở đẳng cấp siêu xe thành chiếc xe sản xuất “hardcore” nhất mà Nissan từng chế tạo.
Duy Thành