Các em mới lên học trường cấp 3 mới 16, 17 tuổi đã được các bố giao xe cho đi chơi, đi học. Thậm chí là một số em cấp 2 khăn quàng còn trên vai đã thấy điều khiển những chiếc xe máy trên 50cc.
Điều mình dám chắc là các em chưa đủ khả năng để điều khiển mô tô, xe máy dung tích lớn một cách an toàn.
Nhiều em chưa được học đầy đủ các quy định và cả biển báo khi tham gia giao thông.
Trong khi đó, mô tô, xe máy có dung tích lớn sẽ gây mất an toàn khi các em chưa đủ kỹ năng để kiểm soát tốc độ của xe.
Đưa xe cho các em chưa đủ tuổi sử dụng là anh em và các bố đang tự hại chính người thân trong gia đình.
Khi chưa đủ tuổi, chưa được cấp bằng lái thì không có điều gì đảm bảo các em sẽ an toàn khi tự điều khiển xe tham gia giao thông.
Ngoài va chạm có thể đến bất cứ lúc nào với các em, chuyện bị xử phạt cũng là điều sớm muộn phải gặp.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các mức phạt đối với người điều khiển xe chưa đủ tuổi được áp dụng như sau.
– Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô.
– Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên.
Ngoài ra, chủ xe cho người chưa đủ tuổi mượn xe để tham gia giao thông cũng phải chịu trách nhiệm.
– Chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện lái xe sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 02 triệu đồng đối với cá nhân; từ 1,6 triệu đồng đến 04 triệu đồng đối với tổ chức.
Việc pháp luật quy định độ tuổi tham gia giao thông với từng loại xe là do xét về nhận thức luật giao thông, kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống khi điều khiển xe…
Vì vậy, điều khiển xe khi chưa đủ tuổi là hành vi gây mất an toàn cho bản thân và người khác, phải đối mặt với mức phạt nặng của cơ quan chức năng.
Sự dại dột của chính các bố sẽ đưa các em đến mất an toàn, lúc có sự cố xảy ra hối hận cũng đã muộn. Vì vậy hãy tỉnh táo nhé!