Thông số một chiếc xe thường nhắc đến các số liệu như chiều dài, chiều rộng, chiều cao. Có một con số nữa mà chúng ta hay nghe thấy đó là “Chiều dài cơ sở”. Và có thể nhiều anh em sẽ còn thắc mắc về thông số này, hãy cùng thảo luận trong chủ đề hôm nay nhé.
Chiều dài cơ sở trên xe máy là gì? Ảnh hưởng đến thiết kế chiếc xe như thế nào?
Chiều dài cơ sở (wheelbase) của xe thường được nhà sản xuất nêu ra trong tài liệu thông số kỹ thuật.
Đó là khoảng cách giữa điểm tiếp xúc của bánh trước với mặt đường tới điểm tiếp xúc của bánh sau với mặt đường. Để dễ hiểu hơn, có thể coi đó là khoảng cách từ trục bánh trước tới trục bánh sau.
Đây không phải là khoảng cách từ bánh trước tới bánh sau mà nhiều anh em lầm tưởng. Và chiều dài cơ sở cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc điều khiển và vận hành một chiếc xe.
Đối với thiết kế xe có trục cơ sở dài sẽ lợi thế hơn về tính ổn định khi chạy đường thẳng, do đó những mẫu xe Touring và Cruiser sẽ có chiều dài cơ sở dài hơn những dòng xe khác như Sportbike hay Nakedbike.
Cũng chính vì vậy mà chúng ta thường thấy dòng Dragster hay Drag bike, được kéo dài gắp sau để tăng chiều dài cơ sở, giúp xe chạy ổn định trên một đường thẳng ở tốc độ cao.
Đối với chiều dài cơ sở ngắn, nó sẽ cho tác dụng ngược lại. Giúp chiếc xe vào cua nhanh hơn và linh hoạt hơn, thường thấy ở thiết kế dòng xe Sport hoặc Naked.
Nhưng tất nhiên chiều dài cơ sở ngắn cũng sẽ đánh đổi với sự ổn định ở tốc độ cao kém hơn so với dòng xe mang thiết kế chiều dài cơ sở dài hơn.
Tuy nhiên khả năng ổn định của chiếc xe không phụ thuộc hoàn toàn vào chiều dài cơ sở, mà nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: hành trình phuộc, fairing, kính chắn gió,…
Vì vậy nhìn vào chiều dài cơ sở chỉ giúp người xem dự đoán thiết kế của chiếc xe so với những mẫu đối thủ khác mà thôi, quan trọng nhất cũng chính là việc trải nghiệm thực tế chiếc xe mà chúng ta có nhu cầu sử dụng. Hi vọng chủ đề hôm nay sẽ giúp anh em hiểu hơn về khái niệm này, mọi thiếu sót mong được góp ý ở phần bình luận.