Chuyên gia đánh giá chất lượng Klara S không thua kém những mẫu xe ga tầm trung, pin và động cơ điện được cung cấp bởi thương hiệu lớn.
Yêu thích xe hai bánh và có xưởng sửa chữa riêng, Long “tẩu” không xa lạ với giới mê xe phân khối lớn tại Hà Nội. Tiếp xúc, sửa chữa nhiều loại xe phân khối lớn trên thị trường, chàng kỹ sư trẻ tháo tung chiếc Klara S để tìm hiểu chi tiết và cấu tạo xe. Đồng thời, Long “mổ” thêm một mẫu xe máy xăng truyền thống của hãng Nhật có cùng giá tiền.
Chiếc VinFast Klara S được Long tháo tung tại xưởng của mình.
“Điều khiến tôi ngạc nhiên khi nhìn vào cấu tạo của Klara S là khung sườn. Kích thước và độ hoàn thiện không thua kém một chiếc scooter của Nhật”, Long nói. “Bộ khung sườn xe VinFast có vẻ thừa thãi so với một chiếc xe điện. Người dùng hoàn toàn có thể độ một khối động cơ lớn hơn lên mẫu xe này”. Khung sau của Klara S có đường kính 37 mm, độ dày thép 2,7 mm, trong khi mẫu xe Nhật dùng khung đường kính 43 mm, độ dày thép 2,07 mm.
Trên những chiếc xe hai bánh, bộ khung sườn có vai trò đảm bảo sự ổn định, an toàn trong vận hành. Thiết kế của VinFast Klara S tương đồng với khung xe máy Nhật, đồng thời các mối hàn, dập đều có độ hoàn thiện tốt khi đến tay người dùng. Hãng này sử dụng rô-bốt hàn để đảm bảo sự đồng đều và chất lượng sản phẩm. Các dụng cụ lắp ráp như máy bắt bu-lông đều có mã vạch riêng và tự động điều chỉnh lực siết khi ghép các bộ phận. Sản phẩm sau khi hoàn thiện sẽ được kiểm tra lại rồi mới xuất xưởng.
Long “tẩu” kiểm tra hệ truyền động trên VinFast Klara S.
Cách VinFast chọn lựa linh kiện, trang thiết bị cho mẫu xe máy điện cũng cho thấy sự đầu tư vào sản phẩm. Cùm phanh trước của KlaraS loại kẹp đôi, đường kính 34 mm trong khi mẫu xe ga của Nhật dùng piston đơn, đường kính 34 mm cùng thương hiệu Nissin. Đĩa phanh trên Klara S đường kính 200 mm còn mẫu xe ga Nhật 190 mm.
“Piston đôi giúp lực phanh được phân bổ hiệu quả khi bóp phanh. Mẫu xe Nhật dùng đĩa phanh đường kính nhỏ hơn do kích thước bánh xe bé. Về cơ bản, hai mẫu xe này có bộ phanh tương đồng”, Long nói. “Thậm chí, trên chiếc Klara S, nhà sản xuất còn trang bị cả phanh đĩa phía sau, nhằm tăng tối đa sự an toàn cho người dùng”.
Ngoài những chi tiết kể trên, Long cho biết các bộ phận như dàn vỏ, đường dây điện hay nước sơn hoàn thiện trên mẫu xe VinFast cũng có sự tương đồng với chiếc xe tay ga tầm trung Nhật Bản. Hãng xe Việt sở hữu xưởng sơn công nghệ cao trong tổ hợp nhà máy tại Hải Phòng, do đó chất lượng đầu ra của sản phẩm không hề thua kém các thương hiệu lớn ở mảng xe máy truyền thống.
Bộ pin trên VinFast Klara S.
“Bộ pin lithium-ion trên xe Klara S hiện nay là công nghệ mới, có tính ổn định và chất lượng cao hơn loại ắc quy acid-chì truyền thống, đi kèm với đó là giá thành khá cao”, Long nhận định.
Hiện Klara S sử dụng bộ pin lithium-ion do VinFast hợp tác cùng LG Chem sản xuất. Hãng cho biết, vỏ bọc bộ pin phần lớn làm từ nhôm, giúp tăng độ bền và khả năng tản nhiệt. Pin có tích hợp đèn báo dung lượng thuận tiện cho người dùng theo dõi và quản lý.
Động cơ xe được sản xuất bởi Bosch, một trong những thương hiệu hàng đầu của ngành công nghiệp ôtô, xe máy. Động cơ công suất 1.200W, giúp xe đạt vận tốc tối đa khoảng 48 km/h. Hãng xe Việt cho biết, kết hợp cùng hai pin, Klara S có thể vận hành liên tục trên quãng đường khoảng 120 km với tốc độ ổn định 30 km/h. Ưu điểm của mẫu xe điện này là khả năng chống nước chuẩn IP67, giúp người dùng an toàn khi đi trời mưa hoặc đường ngập nước.
Khả năng kết nối thông minh với smartphone là điểm cộng của xe điện VinFast so với xe máy truyền thống. Nhờ eSim, người dùng có thể định vị, khóa xe từ xa, quản lý tình trạng xe và các chức năng thông minh khác.
Ấn tượng với chất lượng của VinFast Klara S, Long cho biết đang cân nhắc mua một chiếc để sử dụng hàng ngày. Anh cũng mong muốn VinFast sẽ ra thêm các dòng sản phẩm mới có khả năng vận hành trên quãng đường dài hơn, đồng thời phát triển hệ sinh thái pin để thúc đẩy sự phát triển của loại hình xe xanh này.