Như bố và anh em cũng biết, hiện nay hình thức phạt nguội sẽ là gửi giấy mời kèm hình ảnh vi phạm về nhà để mời người vi phạm lên giải quyết.
Thế nhưng rất nhiều người vi phạm hiện nay lại không chấp hành, ngó lơ và cố tình trốn tránh.
Tất nhiên, đã có lỗi thì đừng nghĩ cứ im lặng trốn tránh sẽ chẳng sao, luật pháp vẫn có những chế tài riêng để xử lý các trường hợp này.
Theo khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định; trường hợp thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Trường hợp không nộp phạt nguội đúng hạn, sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt sẽ phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp (theo khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Cách tính như sau: Số tiền nộp phạt = Tổng số tiền phạt chưa nộp + (Tổng số tiền phạt chưa nộp x 0,05% x Số ngày chậm nộp).
Đặc biệt, với ô tô vi phạm giao thông mà không đóng phạt nguội đúng thời hạn còn có thể bị từ chối đăng kiểm.
Bởi theo khoản 12 Điều 80 Nghị định 100/2019, nếu quá hạn nộp phạt, CSGT sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định.
Đây là một trong những lý do để đơn vị đăng kiểm không được kiểm định xe tại khoản 6 Điều 4 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT.
Trường hợp ô tô quá hạn đăng kiểm có thể bị phạt tiền lên đến 16 triệu đồng.
Với xe máy không cần đăng kiểm định kỳ nhưng bố và anh em cũng đừng nghĩ sẽ trốn được, vì sau này nếu tiếp tục vi phạm và bị lập biên bản thì lỗi phạt nguội trước đó sẽ được cộng dồn vào. Số tiền chậm nộp phạt bị sẽ phải đóng là không hề nhỏ nếu để quá lâu.
Tốt nhất, sau khi vi phạm và bị phạt nguội bố và anh em nên chấp hành và lên giải quyết, để tránh mất thêm nhiều tiền, hơn hết là được thoải mái khi chạy xe trên đường.
Tham khảo: luatvietnam