Ở Việt Nam, đa số xe nhập khẩu thường đến từ Indonesia, Thái Lan – giá bán cũng sẽ đắt hơn xe lắp ráp trong nước nên một số cửa hàng, thương lái có thể đánh lừa khách hàng để thu lợi.
Nhiều trường hợp là xe Việt nhưng lại rao xe nhập khẩu và bán theo mức giá chênh lệch. Với những thủ thuật biến hóa, ngụy trang thì anh em cũng rất khó phân biệt được – mua xe “giá hố” là điều dễ xảy ra.
Lúc này, vấn đề không phải là chất lượng giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước nữa, mà là mang tâm lý đi mua xe nhập nhưng lại nhận được xe Việt được bùa phép.
Ảnh minh họa
Cách phân biệt đơn giản nhất là dựa trên số khung, số máy. Anh em có thể tìm theo mã cụ thể dưới đây.
Với những dòng xe đang được lắp ráp trong nước hiện có số khung bắt đầu bằng 2 chữ (RL). Xe được nhập khẩu từ Indonesia sẽ có số khung bắt đầu bằng 2 chữ cái là (MH). Trong khi đó xe nhập Thái Lan sẽ có số khung bắt đầu bằng 2 chữ (ML).
Ngoài ra, một cách nữa là tra cứu thông tin trực tiếp từ hãng xe. Yamaha có phần mềm cho phép anh em có thể tự tra cứu khi chỉ cần nhập đầy đủ thông tin, kết quả chỉ hiển thị với những xe lắp ráp trong nước.
Còn với Honda và Suzuki, thì cần phải kỹ hơn, anh em có thể tới các đại lý chính hãng để xác nhận được thông tin chiếc xe cần tìm hiểu.
Tất nhiên, giấy tờ xe cũng là một trong những cách dùng để kiểm tra.
Với xe được sản xuất trong nước, khi mua xe anh em sẽ được cửa hàng đưa cho giấy kiểm định chất lượng khi xuất xưởng để làm giấy tờ.
Trong khi đó với xe nhập khẩu sẽ phải có thêm giấy hải quan (giấy thông quan), thì anh em mới làm giấy tờ xe được.
Trong trường hợp cửa hàng bảo xe nhập nhưng không cung cấp được giấy hải quan, rất có thể đó là xe lắp ráp trong nước, được phù phép trở thành xe nhập khẩu.