1. Bấm cò
Dấu hiệu thường là một người đổ xăng còn một người ở trong bấm đồng hồ. Ví dụ lượng xăng yêu cầu đổ là 50 nghìn nhưng thực tế họ chỉ đổ đến khoảng 30 nghìn, số còn lại chỉ cần bấm nút là đủ.
Vì thế, nhiều khuyến cáo đưa ra là người dùng không nên đổ xăng theo số tiền chẵn như 20, 30, 40 hay 50 mà nên đổ theo lít, không thì đổ đầy bình. Ngoài ra, các bố cũng nên quan sát số đo trên trụ xăng để xem lượng xăng đổ vào cũng như phát hiện được nếu có gian lận.
2. Đổ dồn
Cách này thường được các nhân viên ở cây xăng dùng lúc giờ cao điểm, có nhiều người đổ xăng. Họ sẽ gian lận theo cách đổ cho người này xong chuyển sang đổ tiếp cho người kia hoặc sẽ đổ chéo nhau.
Như vậy, chỉ cần người sau đổ với số tiền nhiều hơn người trước thì họ đã nhận được một khoảng hời, còn nếu chẳng may bị phát hiện thì chỉ cần nói do “quên” và sau đó xin lỗi cho qua chuyện.
Do đó, các bố phải chú ý một tí khi đổ xăng để tránh bị “móc túi”, nhất là lúc đông người.
3. Ngắt cò bơm trước khi đủ số tiền
Trường hợp này như là chiêu cuối rồi vì rất tinh vi và khó phát hiện, bởi số tiền trên trụ xăng vẫn nhảy đúng nhưng lượng xăng thực tế đổ vào lại không đủ.
Ví dụ như khi các bố muốn đổ 50 nghìn tiền xăng, nhân viên chỉ đổ đến tầm 40 hay 45 nghìn (tuỳ lương tâm) rồi ngắt cần bơm trên tay cầm. Khi đó, dòng xăng sẽ không thể chảy ra được nữa nhưng số hiển thị trên đồng hồ vẫn chạy, bởi vì chỉ còn hơi tống vào bình xăng của xe.
Cách gian lận này được các nhân viên cây xăng sử dụng nhiều nhất nên các bố hãy chú ý quan sát cử chỉ tay nhấn cò của người đổ xăng, ngoài ra cũng chú ý số tiền, số lít xăng đổ có đúng với yêu cầu ban đầu không?