Mũ bảo hiểm là trang bị không thể thiếu với bất kỳ người đi xe máy hay mô tô nào dù là đi lại trong nội đô hay những hành trình dài. Tuy nhiên sự đa dạng về kiểu dáng cũng như dòng sản phẩm khiến người dùng thường băn khoăn không biết nên chọn mũ bảo hiểm nào cho phù hợp. Dưới đây, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc ưu và nhược điểm của từng loại mũ bảo hiểm phổ biến nhất trên thị trường hiện nay.
Mũ bảo hiểm Full-face
Mũ bảo hiểm full-face là loại mũ kín, thường có hình dạng tròn, bao lấy toàn bộ phần đầu của người dùng. Đây là loại mũ được sử dụng rất phổ biến trong các giải đua danh giá nhất hành tinh như Isle of Man TT, MotoGP và WSBK.
Mũ bảo hiểm Full-face
Mặt trước mũ bảo hiểm full-face được khoét ra ngang tầm mắt để người dùng có thể dễ dàng quan sát. Khu vực này được bảo vệ bởi kính mắt trong có thể lật lên/xuống. Bên dưới bộ phận kính là phần bảo vệ cằm giúp che lấy hàm và miệng của người đeo.
Ưu điểm mũ bảo hiểm Full-face
- Có khả năng bảo vệ toàn diện nhất
- Thoải mái nhất khi đội sử dụng chạy ở tốc độ cao
- Có khả năng cách âm tốt nhất
Nhược điểm mũ bảo hiểm Full-face
- Không được thông thoáng dù được trang bị lỗ thông gió
- Dễ bị mờ kính
Với ưu và nhược điểm nêu trên, mũ bảo hiểm Full-face sử dụng phù hợp nhất cho đi lại trong nội đô, cao tốc và trường đua chuyên nghiệp. Một số dòng mũ bảo hiểm Full-face tốt: AGV K6, Bell Qualifier hay Shoei GT-Air II.
Mũ bảo hiểm lật hàm
Thoạt nhìn, mũ bảo hiểm lật hàm trông không khác mũ Full-face là bao. Tuy nhiên nếu nhìn kỹ, mũ lật hàm sẽ có một số trang bị khác biệt, cụ thể là phần nhựa bảo vệ cằm có thể lật lên trên, cùng với đó là kính phụ tối màu bên trong có thể lật lên xuống. Ở một số dòng mũ lật hàm, phần bảo vệ cằm còn đi liền với kính mũ, có khả năng lật lên trên hoàn toàn.
Mũ lật hàm
Loại mũ lật hàm này khá phổ biến với người dùng xe Adventure hoặc Touring do sự linh hoạt, mang đến sự thông thoáng trên những hành trình dài mà không cần phải cởi bỏ mũ bảo hiểm.
Ưu điểm mũ bảo hiểm lật hàm
- Khả năng bảo vệ người dùng không hề thua kém mũ Full-face
- Tiện dụng, linh hoạt
- Thoáng hơn so với mũ Full-face
Nhược điểm mũ bảo hiểm lật hàm
- Nặng nề hơn so với mũ full-face
- Khả năng bảo vệ hàm của người dùng kém hơn
Với các đặc điểm trên, mũ bảo hiểm lật hàm sẽ rất phù hợp với người dùng hay di chuyển trong nội đô hay cao tốc. Các loại mũ bảo hiểm lật hàm đáng chú ý trên thị trường hiện nay bao gồm HJC i90, Bell SRT Modular hay LS2 Valiant.
Mũ cào cào/Motocross
Mũ cào cào/Motocross có thể được xem là một biến thể của mũ bảo hiểm Full-face, nhưng có một số thay đổi nhỏ. Cụ thể, mũ cào cào không được tích hợp sẵn kính, thay vào đó người dùng sẽ phải đeo kính rời để che nửa mặt trên. Bên cạnh đó phần hàm của mũ được kéo dài ra phía trước, trên đỉnh mũ được bổ sung phần mái, vừa có vai trò che nắng, chống chói cho người đeo, vừa giúp người dùng gạt các loại cành cây khi đi vào đường mòn.
Mũ cào cào
So với hai loại mũ kể trên, mũ cào cào có khe gió rộng hơn nhằm tăng tối đa lưu thông gió, đồng thời trọng lượng của mũ cũng nhẹ hơn nhằm mang đến sự thoải mái tối đa cho người dùng trên những cung đường off-road.
Ưu điểm mũ cào cào/Motocross
- Trọng lượng mũ siêu nhẹ
- Thông thoát tốt
Nhược điểm mũ cào cào/Motocross
- Chỉ dùng khi đi off-road
- không lý tưởng để sử dụng trên đường phố và đường dài
- Khả năng cách âm kém
Như đã nêu trên, loại mũ cào cào chỉ phù hợp sử dụng khi đi off-road, đa địa hình. Các dòng mũ cào cào nổi tiếng có thể kể đến Fox Racing V-Series, Alpinestars Supertech M-Series, Airoh Aviator Series, Shoei VFX-EVO.
Mũ Dual-Sport
Mũ Dual-Sport có thể được xem là dòng mũ kết hợp giữa mũ Full-face và mũ cào cào Motocross. Hình dáng mũ khá giống với mũ cào cào với cằm dài, lỗ thông gió lớn và mái che nắng ở trên. Mặt khác, mũ Dual-Sport lại có khả năng bảo vệ đầu, cách âm và kính trong tương tự như mũ bảo hiểm Full-face.
Mũ Dual-Sport
Ngoài ra, tầm nhìn của mũ Dual-Sport khác rộng, giúp người đội có thể đi vào đường mòn off-road nhẹ khác thoải mái, mái che nắng cũng như cằm mũ có thiết kế khí động học hơn mang đến khả năng đi đường dài hợp lý. Được biết, mũ Dual-Sport là loại mũ ưa thích của các tay nài xe Adventure Touring nhờ sự tiện dụng ở cả đường trường lẫn đường off-road.
Ưu điểm mũ Dual-Sport
- Đa dụng nhất
- Tiện dụng trên cả đường nhựa lẫn off-road
Nhược điểm mũ Dual-Sport
- Không “xuất sắc” ở bất kỳ khía cạnh nào
Một số mẫu mũ Dual-Sport được ưa dùng hiện nay bao gồm AGV AX9, Scorpion EXO-AT950 hoặc Arai XD-4.
Mũ ba phần tư – 3/4
Mũ ba phần tư có thiết kế loại bỏ hoàn toàn phần cằm mũ, để lộ hoàn toàn phần mặt và hàm của người đội. Chính vì vậy, mũ ba phần tư chỉ có khả năng bảo vệ đầu người dùng, trừ phần mặt. Loại mũ bảo hiểm này khá lý tưởng cho người điều khiển xe ga hoặc xe cruiser, phù hợp với việc đi lại trong nội đô.
Mũ ba phần tư
Ưu điểm mũ ba phần tư
- Trọng lượng nhẹ
- Thông thoáng
- Kiểu dáng cổ điển
Nhược điểm mũ ba phần tư
- Không có khả năng bảo vệ mặt người đội mũ
Các loại mũ bảo hiểm 3/4 có thương hiệu và chất lượng tốt bao gồm Scorpion EXO Covert, Arai Classic V hay HJC IS-5
Mũ bảo hiểm nửa đầu
Mũ nửa đầu là loại mũ bảo hiểm tối giản nhất hiện có trên thị trường. Đúng như tên gọi, loại mũ này chỉ có khả năng bảo vệ nửa trên đầu người đội. Trên thực tế, mũ bảo hiểm nửa đầu thực sự chỉ là loại mũ bảo hiểm để đối phó với lực lượng chức năng, khả năng bảo vệ của loại mũ này là thấp nhất trong số các loại mũ bảo hiểm.
Mũ bảo hiểm nửa đầu
Ưu điểm mũ nửa đầu
- Giá thành phải chăng
Nhược điểm mũ nửa đầu
- Khả năng bảo vệ đầu kém
Lan Châu