Tòa án Tối cao Vương quốc Anh mong muốn các tài xế công nghệ không còn phải làm việc theo dạng hợp đồng, mà phải được trở thành nhân viên chính thức của Uber trong thời gian tới.
Hơn 70.000 tài xế công nghệ ở Anh sẽ được Uber trả mức lương tối thiểu, đi kèm với việc được nghỉ phép và nhận lương hưu.
“Sau phán quyết của Toà án vào tháng trước, chúng tôi hoàn toàn có quyền tranh chấp quyền lợi của công ty và các tài xế. Tuy nhiên cuối cùng chúng tôi đã quyết định đứng về phía tài xế”,Dara Khosrowshahi – CEO của Uber chia sẻ trên tờ Evening Standard.
Dù vậy, Uber đã không áp dụng hình thức này cho các nhân viên giao đồ ăn cũng trực thuộc công ty (Uber Eats), mà chỉ cho các tài xế công nghệ.
Uber cũng sẽ chỉ trả lương cho các tài xế đã nhận cuốc chở khách, chứ không phải thời điểm họ đăng nhập vào ứng dụng.
Nước Anh là một trong những thị trường lớn nhất của Uber, chiếm 6,4% tổng lượng đặt xe của công ty trong quý IV/2020. Cho đến hiện tại, cũng chỉ mới có thị trường này là được tập đoàn Uber ưu ái.
Tại Việt Nam, số lượng tài xế công nghệ rất đông đảo, tuy nhiên nhiều người than phiền rằng “tuy chạy nhiều nhưng không thu lại được bao nhiêu.”
Việc mưu sinh trở nên khó khăn, nhiều tài xế chạy đến hơn 12 tiếng/ngày cũng thừa nhận “chỉ đủ sống qua ngày”. Đó là chưa kể đến các chi phí ăn uống, xăng xe, bảo dưỡng cũng tốn thêm một mớ tiền.
Nỗi lo ngại của các tài xế công nghệ là có nguyên do, một phần đến từ việc không được các công ty đóng bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế đầy đủ. “Lỡ chẳng may ốm đau gì thì coi như cả ngày không có thu nhập”, một quan điểm của các tài xế công nghệ nhận được nhiều sự đồng ý.
Nhiều tài xế công nghệ Việt Nam cũng mong có ngày được nhận lương cứng cũng như các chế độ phúc lợi như các đồng nghiệp tại Anh. Việc các công ty công nghệ ở Việt Nam đều tự quyết định giá cước và xem tài xế là “nhân viên thời vụ” khiến cho nhiều người lao đao.