Tốc độ thường là thước đo đánh giá sức mạnh của xe, qua đó cũng biết được chiếc xe đang chạy nhanh hay chậm so với điều kiện cho phép, đây là thông số hiển thị bắt buộc xe nào cũng phải có.
Tốc độ hiển thị trên đồng hồ không theo một quy chuẩn chung nào cả, được quyết định bằng vị trí đặt mắt đọc hay công nghệ đo mà mỗi hãng áp dụng lên xe. (chỉ có vụ 299 trên mô tô là được áp dụng theo quy định chung mà thôi).
Thế nên, con số này có thể thay đổi hay can thiệp được rất dễ dàng.
Chẳng hạn như một số xe côn tay có mắt đọc đặt ở phần nhông (trong bộ nhông sên dĩa) hay ở lốp xe, thì khi thay đổi tỉ số truyền khác với nguyên bản chắc chắn tốc độ cũng sẽ đổi.
Rõ hơn, mình dùng cùng một chiếc Gopro (có tích hợp GPS) để đo trên nhiều dòng xe và có kết quả khác biệt.
Tất nhiên, Gopro hay GPS cũng sẽ có sai số nhưng nếu dùng làm thang đo chung để đo nhiều loại xe thì rõ là tốc độ báo trên đồng hồ không đúng.
Ví dụ: Với tốc độ 69 km/h báo trên Gopro và Duke 390 là như nhau còn Winner X lại có sự chênh lệch.
Tiếp với một chiếc Winner 150 khác khi đã thay dĩa lớn (từ 44 thành 45) và hạ lốp nhỏ thì độ sai số càng nhiều.
Hầu hết, nhiều xe mình từng chạy, dù là còn nguyên bản nhưng đa số vẫn có độ ảo nếu đo bằng GPS của Gopro, có KTM là chuẩn nhất và thực tế cũng có sự khác biệt.
Cảm giác chạy xe với tốc độ 60 km/h trên KTM Duke 390 nó nhanh hơn rất nhiều so với những chiếc xe côn tay phổ thông. Vài lần đi tour Đà Lạt, tốc độ hiển thị trên đồng hồ giống nhau nhưng mình phải ngồi chờ 20 phút thì đồng đội mới tới.
Lúc trước, không có nhiều thiết bị để đo, chỉ có mặt đồng hồ để quan sát thì cho là đúng, còn giờ với những trải nghiệm đã qua thì mình vẫn tin GPS hơn để biết được tốc độ trên xe của mình.
Từ đó, mình có thể trừ ra những sai số thì có thể hiểu được chiếc xe hơn và xử lý cũng chuẩn hơn.