Động cơ hoạt động phụ thuộc vào quá trình đốt cháy nhiên liệu, điều này sẽ khiến động cơ của xe luôn nóng lên trong suốt quá trình hoạt động. Chính vì thế các nhà sản xuất đã tạo ra hệ thống làm mát động cơ, để duy trì hoạt động này trong thời gian phù hợp. Hiện nay có 3 loại Hệ thống làm mát động cơ phổ biến, hãy cùng tìm hiểu sự khác nhau, ưu và nhược điểm của từng loại nhé.
Hệ thống làm mát động cơ bằng gió, bằng nước và bằng dầu có gì khác nhau?
Trong quá trình đốt cháy nhiên liệu để tạo năng lượng giúp chiếc xe vận hành, động cơ sẽ tạo ra lượng nhiệt rất lớn. Khi đến một mức độ nào đó sẽ khiến các bộ phận bị giãn nở do quá nhiều nhiệt, dẫn đến tình trạng bị kẹt, gây phá hủy động cơ. Cho nên các nhà sản xuất đã tạo ra hệ thống làm mát giúp làm giảm nhiệt độ và duy trì hoạt động của động cơ xe máy nói chung.
Tuy nhiên không phải xe nào cũng sử dụng chung một loại hệ thống làm mát, tùy thuộc vào thiết kế, nhu cầu sử dụng, giá trị sẽ có 3 loại hệ thống làm mát phổ biến sau đây:
Hệ thống làm mát bằng không khí được thiết kế khá đơn giản, sử dụng nguyên lý gió thổi qua động cơ đang hoạt động trong quá trình vận hành. Phổ biến nhiều nhất trên xe sử dụng động cơ 1 xi-lanh.
Các bộ phận động cơ cũng được chế tạo với nhiều cánh tản nhiệt để tăng diện tích truyền nhiệt lên tối đa. Những cánh tản nhiệt trên vỏ máy cũng phần nào tạo ra những vẻ đẹp thẩm mỹ riêng cho từng dòng xe.
Ưu điểm: Thiết kế đơn giản, không phức tạp, giảm chi phí sản xuất, không cần thông qua bộ phận riêng biệt nào, chỉ cần đúc những cánh tản nhiệt trên vỏ động cơ là đủ.
Nhược điểm: Không đủ khả năng làm mát cho những động cơ công suất lớn. Đặc biệt đối với động cơ dạng chữ V cổ điển trên các dòng xe Cruiser, gây ra hiện tượng giải nhiệt không cân bằng giữa xi lanh phía trước và xi lanh phía sau, khiến 2 xi lanh có công suất không đồng đều.
Đây được xem là hệ thống làm mát đem lại khả năng vượt trội hơn so với hệ thống làm mát mình vừa kể trên, nhiệt độ động cơ sẽ được truyền qua chất lỏng (dung dịch làm mát). Luân chuyển theo đường nước riêng trong động cơ, để đưa lên bộ phận tản nhiệt (két nước) và được không khí đi qua giải nhiệt, hoạt động này diễn ra liên tục trong quá trình động cơ hoạt động.
Ưu điểm: Với đặc tính của dung dịch làm mát giúp giải nhiệt tốt hơn thay vì chỉ dựa vào sức gió như hệ thống làm mát bằng không khí, giúp duy trì nhiệt độ ổn định hơn. Phù hợp với động cơ sử dụng công suất lớn.
Nhược điểm: Nó đem lại thiết kế cồng kềnh cho khối động cơ, “khó chịu” hơn khi bảo trì bảo dưỡng. Vì vậy cần kiểm tra dung dịch làm mát và các bộ phận của hệ thống này thường xuyên để nó vận hành ổn định và đem lại hiệu quả cao.
Hệ thống làm mát bằng dầu sử dụng nguyên tắc tương tự như làm mát bằng nước, nhưng được thiết kế để làm mát dầu nhớt lưu thông trong động cơ. Nếu so sánh với làm mát bằng nước thì hệ thống làm mát bằng dầu có khả năng giải nhiệt kém hơn, vì vậy chúng ta có thể thấy trên vỏ động cơ vẫn được thiết kế thêm cánh tản nhiệt tương tự động cơ sử dụng hệ thống làm mát bằng gió để tối ưu hiệu quả tản nhiệt.
Ưu điểm: nhờ vào việc lưu thông dầu nhớt trong động cơ, nó sẽ tạo ra lớp màng bôi trơn các bộ phận riêng biệt, làm giảm các ma sát, đồng thời bảo vệ động cơ tốt hơn.
Nhược điểm: Nếu bộ phận tản nhiệt (két nhớt), dầu và các khớp nối bị rò rỉ thì sẽ khiến dầu động cơ bị hao hụt và cạn kiệt nếu không để ý, gây hư hại và phá hủy động cơ. Vì vậy cần kiểm tra và thay dầu động cơ thường xuyên.