Nhắc đến thú chơi cào cào off-road tại Việt Nam thì có lẽ, nhiều người trong chúng ta vẫn còn khá bỡ ngỡ với khái niệm cũng như thú chơi kỳ lạ này. Chạy cào cào off-road, băng rừng, leo dốc với đầy bụi đất, đầy sức mạnh có gì mà khiến người ta phải đam mê đến thế? Nếu muốn biết câu trả lời, hãy đến với những người chơi cào cào và thử sức chính bản thân mình để xem, tại sao họ lại yêu môn thể thao mạo hiểm này đến như vậy.
Sóc Sơn Extreme Enduro 2021
Mới đây, một trong những minh chứng rõ ràng và mãnh liệt nhất từ trước đến nay của giới chơi xe cào cào miền Bắc nói riêng và tại Việt Nam nói chung đã diễn ra tại Hà Nội. Giải thi đấu xe cào cào có quy mô lớn mang tên Sóc Sơn Extreme Enduro 2021 (SSEE) vừa được tổ chức vào ngày 16/1 với sự tham gia của gần 50 vận động viên ở nhiều thể thức thi đấu khác nhau. Thế nhưng, tất cả đều hướng tới một mục tiêu là vượt qua thử thách, vượt qua chính mình cũng như “la liếm” giải thưởng.
Khu vực xuất phát của giải đấu
Các vận động viên bốc thăm số thứ tự thi đấu của mình
Để kiểm soát đường đi trong khu vực tự nhiên của các vận động viên, track thi đấu được chia thành các check point có trọng tài riêng
Có thể nói, khu vực Sóc Sơn – Hà Nội là một trong những địa điểm lý tưởng để người chơi xe cào cào hoặc những ai yêu thích off-road lui tới. Nơi đây sở hữu địa hình núi đồi tự nhiên với nhiều thử thách dành cho người chơi và chủ yếu là những con dốc có độ dốc lớn cùng nhiều chướng ngại vật hết sức tự nhiên. Do đó, giải thi đấu SSEE 2021 đã diễn ra rất thành công với cung đường chạy rừng gần 30 km/vòng.
Địa hình tự nhiên tại khu vực Sóc Sơn là địa điểm lý tưởng dành cho người yêu thích off-road
Năm nay, giải đua đã được thiết kế thêm phần Pro-log hay còn gọi là sa hình chướng ngại vật nhân tạo để tăng độ khó và tăng sự hấp dẫn cho khán giả. Khu vực này, ban tổ chức đã sắp đặt loạt chướng ngại vật được làm từ lốp xe tải quen thuộc như vớt lốp, bãi cua lốp… Tất cả những thử thách này được đặt ra để dành cho các vận động viên khởi động, thử thách nhau trước khi tiến vào địa hình rừng núi tự nhiên đầy hiểm hóc.
Dốc dựng có độ khó cao luôn thử thách các vận động viên tham gia
Cuộc đua được chia làm 2 bảng đấu bao gồm phần thi của giải mở rộng và phần thi của giải chuyên nghiệp. Tùy vào mẫu xe đăng ký cũng như nhu cầu của vận động viên mà mỗi người được chọn riêng cho mình bảng thi đấu khác nhau. Với giải thi đấu mở rộng, các vận động viên phải vượt qua 1 vòng Pro-log và sau đó tiến vào 30 km địa hình tự nhiên. Giải dành cho xe cũng như vận động viên chuyên nghiệp được tăng gấp đôi độ khó khi thử thách từ tay lái cho đến sức bền của các vận động viên khi phải chạy 2 vòng quanh khu vực rừng núi tự nhiên tương đương với 60 km off-road.
Nhiều khu vực khó giúp phân loại vận động viên
Sau khoảng 5 tiếng thi đấu, các vận động viên thuộc 2 phân hạng đều đã chọn ra cho mình được người thằng cuộc đầy thuyết phục.
Ở giải mở rộng các vận động viên nhận giải thưởng bao gồm:
– Vị trí nhất bảng thuộc về VĐV Min mang số hiệu 10 với thời gian hoàn thành track đua là 57’10s
– Vị trí thứ 2 thuộc về VĐV Trần Sơn số hiệu 04 cùng thời gian thi đấu là 61
– Về đích số 3 là VĐV Đỗ Việt Long số 14, thời gian thi đấu là 63’30s
Trao giải và cúp cho hạng mục thi đấu mở rộng
Ở hạng mục giải chuyên nghiệp, các vận động viên có thành tích cao nhất gồm:
– Giải nhất thuộc về VĐV Trần Đình Cường mang số hiệu 01 với thời gian thi đấu 88’10s
– Giải nhì thuộc về VĐV Nguyễn Quang Tạo mang số hiệu 19 với thời gian thi đấu 93’ 30s
– Giải ba VĐV Pitter số hiệu 10 với thời gian thi đấu 93’40s
– 2 giải khuyến khích gồm VĐV Trung số hiệu 08 – 98’10s và VĐV Marsel số hiệu 05 – 112’
Top 5 vận động viên xuất sắc nhất hạng mục thi đấu chuyên nghiệp
Nhà vô địch khá “quen mặt” của mùa giải
Sau giải đấu này, người chơi xe cào cào tại Việt Nam được hứa hẹn sẽ có một sân chơi hoàn toàn khác biệt so với trước đây. Từ đó, sự chuyên nghiệp, tính cạnh tranh cũng như sức hút của bộ môn này sẽ ngày càng lớn mạnh tại nước ta với một “kỷ nguyên cào cào” hoàn toàn mới.
Kuro