“Nẹt pô” có thể xuất phát từ thói quen của người chơi xe phân khối lớn (PKL) hoặc vì họ chưa quen xe nên giữ ga ở dải tua máy cao,…
Mặc khác, một số Biker còn áp dụng “nẹt pô” để tạo “nét” với gái, khoe xe động cơ mạnh, vượt mặt xe khác,… Tuy nhiên hành động này đã và đang trở thành nỗi ám ảnh của đại đa số người tham gia giao thông.
Bản chất chiếc PKL đã đẹp sẵn rồi không nhất thiết phải tăng cường thêm âm thanh chát chúa để gây ấn tượng.
Nhưng với Biker trẻ nhận định “mua PKL để nghe tiếng pô, thay một cây pô xịn không phải rẻ, thay xong không ‘nẹt’ thì uổng công suất máy và uổng tiền ‘độ’ xe”.
Tôi có một anh bạn cũng có lối suy nghĩ như vậy, anh ta dù đi xe lớn (PKL) hay xe nhỏ (dưới 175 phân khối) thì mỗi lần từ đường nhỏ ra đường lớn, hoặc băng ngang ngã tư, ngã ba đều “nẹt” pô.
Anh bạn tôi cho rằng, “đang phóng 50-60 km/h mà xe trước nó lạng qua gấp quá sao thắng kịp. Hoặc từ đường nhỏ đi ra, bấm kèn thì chị em không tránh đâu, nhưng chú ‘nẹt’ pô là họ tự động né nên đi xe nhỏ hoặc lớn thì tiếng pô la lớn yên tâm hơn”.
Nghĩ thì thấy cũng có lý! Nhưng nếu đứng ở góc độ người đang tham gia giao thông mà nghe tiếng “nẹt” pô bất ngờ thì có ai không hết hồn hoặc giật mình loạng choạng tay lái, nặng hơn thì tự té ngã.
Luật giao thông cũng đã quy định rõ là nghiêm cấm các phương tiện “độ”, chế; nếu vi phạm có thể bị tịch thu (pô) và bị xử phạt hành chính vài trăm ngàn đồng.
Nếu xét về yếu tố kỹ thuật, hành động “nẹt” pô rất ảnh hưởng đến tuổi thọ động cơ xe.
Theo nhà sản xuất, việc “nẹt” pô sẽ làm động cơ bị quá nhiệt, gây hao mòn chi tiết máy, nhưng do thao tác này đem lại nhiều trải nghiệm thú vị nên trở thành thói quen khó bỏ của người chơi PKL.
Thiết nghĩ, chỉ cần nhấn còi hoặc đèn để báo hiệu
Thiết nghĩ, nếu muốn báo hiệu cho xe phía trước, người đi PKL chỉ cần nhấn còi hoặc báo hiệu bằng đèn.
Phương pháp này đôi lúc không thật sự hiểu quả bởi nó phụ thuộc vào ý thức và trình độ hiểu biết của người tham gia giao thông, nhưng đây là cách ứng xử phù hợp nhất cho bản thân và người khác. Vừa không gây phiền hà đến người khác vừa tạo phong cách chơi PKL có văn hóa.