Người điều khiển phương tiện giao thông có trách nhiệm xuất trình các giấy tờ tùy thân khi có yêu cầu của lực lượng chức năng. Tuy nhiên giấy tờ bản sao – công chứng có hợp lệ?
Theo điều 3 nghị định 23/2015/NĐ – CP có quy định: Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch. Tuy nhiên, đối với hoạt động quản lý hành chính nhà nước trong đó có hoạt động đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, xử lý vi phạm hành chính thì không được sử dụng giấy tờ sao y mà phải sử dụng bản chính.
Ngoài ra, nghị định 171/2013/NĐ – CP có quy định một số lỗi cần áp dụng biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép lái xe; tạm thời giữ giấy tờ xe (giấy phép lái xe; đăng ký xe; chứng nhận kiểm định…) để người vi phạm phải thực hiện việc nộp phạt rồi mới giao trả giấy tờ chính. Vì vậy người tham gia giao thông buộc phải mang theo giấy tờ xe bản gốc khi tham gia giao thông.
Đáng chú ý, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký xe trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe.
Điều này đồng nghĩa với việc, trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự (thế chấp, mua trả góp…) thì chủ phương tiện khi tham gia giao thông có thể sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe của mình.
Tuy nhiên, cần lưu ý mang theo cả bản gốc Giấy biên nhận còn hiệu lực của tổ chức tín dụng để tránh bị xử phạt. Trường hợp chỉ xuất trình được bản sao giấy tờ xe thì người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt với lỗi không mang theo Giấy đăng ký xe.