Phuộc trước là bộ phận không thể thiếu trên một chiếc xe máy nói chung. Theo thời gian nhiều nhà sản xuất đã có những cải tiến để khắc phục khuyết điểm của hệ thống treo này, chính vì vậy mà các cơ cấu phuộc trước khác nhau đã ra đời. Hãy cùng tìm hiểu 7 loại phuộc trước thông qua chủ đề hôm nay nhé.
7 loại phuộc trước từ đơn giản đến phức tạp dành cho xe máy.
Phuộc ống lồng / hành trình ngược
Những cải tiến về phuộc luôn bắt đầu từ những khuyết điểm. Trong đó, phuộc ống lồng là hệ thống giảm shock phổ biến nhất hiện nay với giá thành rẻ và phù hợp với đa dạng loại xe từ thấp đến tầm trung. Cao cấp hơn là loại phuộc hành trình ngược.
Cả 2 hệ thống phuộc này thường dùng để hấp thụ các dao động từ mặt đường khi xe đang chạy, để đạt được hiệu quả ổn định cho phần thân xe và tay lái. Nó chịu lực ngang và lực dọc sinh ra khi xe chuyển động trên đường hoặc phanh.
Mặc dù phuộc hành trình ngược có thể cung cấp độ ổn định tốt hơn so với phuộc ống lồng, nhưng thực sự nó chưa phải là loại phuộc tối ưu nhất, vì phải chịu ảnh hưởng từ nhiều hướng khác nhau để có thể đem lại sự ổn định cho phần trước của chiếc xe.
Người đầu tiên nghiên cứu về hệ thống treo này là Norman Hossack, một nhà phát minh người Scotland. Ông thích phá vỡ các quy tắc và tìm cách giải quyết vấn đề theo một cách khác. Vào những năm 1970, ông đã xuất bản hệ thống giảm xóc trước HOSSACK.
Sử dụng 2 gắp chữ A và một bộ một bộ giảm xóc đơn, cộng với một bộ gắp hình chữ Y ngược. Và cơ chế có vẻ phức tạp này có thể cải thiện nhược điểm chịu lực từ các hướng của phuộc ống lồng và hành trình ngược nêu trên.
Trên thực tế, cấu tạo của phuộc trước HOSSACK tương tự như hệ thống tay gắp đôi chữ A. Chức năng chính là cho phép phuộc hoạt động mà không bị tác động bởi các lực khác không song song với hướng chuyển động.
Khi xe phanh do quán tính, khung dẫn động sẽ ép hai gắp chữ A xuống, giảm xóc đơn chịu tác dụng của gắp chữ A phía dưới và bị nén lại. Khi nhả phanh, giảm xóc đơn sẽ bật lại và truyền động khiến thân xe trở lại trạng thái ban đầu. Nó thực sự đạt hiệu quả tốt ở ngay cả những con đường nhấp nhô.
Có thể nói sự xuất hiện của cơ cấu phuộc trước HOSSACK có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của hệ thống phuộc trước xe cào cào, cũng như hệ thống phuộc của một số mẫu xe nổi tiếng của BMW Motorrad cũng bắt nguồn từ HOSSACK.
Với mục đích cải thiện các vấn đề khuyết điểm của hệ thống phuộc ống lồng / hành trình ngược phổ thông, hãng xe Đức – BMW Motorrad đã tìm tòi và nghiên cứu những cấu trúc treo trước mới nhằm tối ưu khả năng vận hành trên các mẫu xe của hãng.
Phuộc Telelever ra đời từ nhu cầu đó và được phát triển vào năm 1993 dành cho dòng R-Series. Dạng phuộc này có tên gốc là Saxon-Motodd nhưng được BMW ưu ái gọi riêng thành một tên khác là Telelever.
Với cấu tạo gồm một gắp (swingarm) rời gắn liền với sườn xe và một hệ thống nhún được đặt trên cánh tay đòn này có tác dụng làm giảm sự giằng xóc tối đa cho người điều khiển.
Theo như thiết kế của Telelever, do bộ gắp nối được đặt trùng tâm với tay lái nên khi gặp đường xóc hoặc phanh lại thì lò xo trên gắp nối bị nén lại, làm cho chiều dài cơ sở của xe bị kéo dài ra, khiến cho xe có xu hướng “chúi” về trước (dù không cần phanh gấp), giảm thiểu hiện tượng trượt bánh – đây là ưu điểm chính của kiểu thiết kế này.
Sau phiên bản phuộc Telelever, BMW Motorrad đã bỏ công “phù phép” và cho ra đời phiên bản cải tiến mang tên Duolever. Thiết kế này được phát triển bởi Norman Hossack và được Claude Fior, John Britten sử dụng trên những mẫu xe đua của mình.
Vào năm 2004, BMW chính thức giới thiệu mẫu xe K1200S với bộ phuộc mới mang tên Duolever. Nối tiếp thành công đó, BMW cho ra đời K1200S, K1200R và K1200GT đều sử dụng cấu trúc phuộc này.
Thiết kế của Duolever khác hoàn toàn so với Telelever. Bộ phận giảm xóc được gắn liền với càng trước xe bởi 2 tay đòn, giữa 2 tay đòn này có một khớp bản lề nối càng xe với phần trục cổ xe theo phương vuông góc với mặt đất nên Hossack gọi đây là “cơ cấu lái vuông góc” (steered upright).
Với Duolever, khi vào cua (rẽ) thì chiều dài cơ sở của xe và độ nghiêng của phuộc hầu như không bị thay đổi tạo ra sự ổn định rất cao cho người lái.
Hệ thống phuộc Tesi ra đời cũng với mục đích để cải tiến sự ổn định của phuộc trước kiểu ống lồng truyền thống. Gắp trước của hệ thống phuộc Tesi sẽ thay thế cặp phuộc trước truyền thống và truyền các dao động tới phuộc đơn tương tự như bánh sau.
Người lái sẽ điều khiển tay lái một cách độc lập bằng một loạt các khớp và đòn nối với bánh trước, chuyển hướng nhờ moay-ơ xoay được theo trục ngang (hub-steering).
Thiết kế này đồng nghĩa với việc tay lái sẽ không bị ảnh hưởng bởi dao động của hệ thống treo và sự dồn trọng lượng về phía trước cũng có thể được điều chỉnh. Điều này khiến cho chiếc xe ổn định hơn nhiều trong mọi điều kiện đường xá.
Honda đã loại bỏ phuộc trước kiểu ống lồng và thay thế bằng hệ thống treo hoàn toàn mới trên bản nâng cấp ở phiên bản 2018 của Goldwing, hệ thống này có tên là (tay đòn đôi) Hossack tương tự phuộc Duolever trên các dòng mô tô BMW K-Series.
Cụ thể hơn, tay đòn đôi Hossack có bộ phận giảm xóc được gắn liền với càng trước xe bởi 2 tay đòn, giữa 2 tay đòn này có một khớp bản lề nối càng xe với phần trục cổ xe theo phương vuông góc với mặt đất.
Ưu điểm của thiết kế này là giúp phần đầu xe nhẹ hơn, mang đến sự chính xác khi đánh lái và giúp ôm cua ổn định hơn.
Trong quá trình giảm tốc cường độ cao, hệ thống phuộc tay đòn đôi Hossack trên Goldwing cũng có thể mang lại đặc tính chống bổ nhào tốt hơn và bạn sẽ không cảm thấy hiện tượng giật thường thấy ở phuộc trước truyền thống. Thay vào đó, thân xe sẽ chìm xuống đồng bộ, mang lại cảm giác ổn định an toàn.
Hệ thống phuộc này được gọi là RADD và được phát minh bởi kỹ sư người Mỹ James Parker. Từng xuất hiện trên Yamaha GTS1000 vào năm 1993.
Thiết kế đơn giản hơn nhiều so với hệ thống Tesi, bánh trước không cần sử dụng kích thước đặc biệt, giúp giảm khối lượng không cần thiết, đồng thời làm cho trọng tâm của xe tập trung hơn.
Khi nhắc đến phuộc đơn ở trước, nhiều anh em sẽ nghĩ ngay đến thiết kế phuộc trước dạng đơn trên Vespa hiện nay, không chỉ mang lại độ thẩm mỹ cao mà còn đem đến khả năng điều khiển cực kì ổn định.
Công nghệ TLAD (Trailing Link & Anti Dive Suspension) bắt nguồn từ sự phát triển của ngành hàng không, giúp thương hiệu Ý tạo ra hệ thống phuộc trước đơn ở mẫu Vespa. Mục đích để giảm bớt tình trạng xe gật gù khi phanh gấp.
Bất kể là loại hệ thống phuộc trước nào dành cho xe máy trên thế giới cũng đều mang lại cho người lái cảm giác trải nghiệm lái xe thật sự khác biệt. Tất nhiên, ngoài việc hiểu các cơ chế hệ thống phuộc khác nhau, dù là hệ thống sơ cấp hay cao cấp, tất cả đều được điều chỉnh để phù hợp với từng nhà sản xuất và mục đích sử dụng.