Là sinh viên năm cuối của trường Đại học Công Đoàn, Nguyễn Bảo đã gắn bó với chiếc Honda CBR250RR được 2 năm. Đây là chiếc mô tô đầu tiên của Bảo và sau hơn 2 năm sử dụng, Honda CBR250RR lộ rõ những ưu và nhược điểm trong quá trình vận hành.
Nói về cơ duyên với Honda CBR250RR, Bảo dùng từ “tình cờ”. Trong một lần cùng bố đi ngang qua một showroom nhập khẩu xe phân khối lớn, cùng ý định nhen nhóm trước đó khi được gia đình hứa tặng 1 chiếc mô tô vào năm thứ hai Đại học, Bảo bước vào và “ướm” thử chiếc Honda CB400 huyền thoại.
Tuy nhiên, với giá bán “chát chúa” hơn 400 triệu đồng tại đại lý nhập khẩu tư nhân, Bảo nhanh chóng bỏ qua quyết định mua xe cùng ý định ra về tay trắng. Song, đập vào mắt Bảo tại cửa ra là chiếc Honda CBR250RR này. Dù chưa tìm hiểu chút gì về mẫu xe, nhưng kiểu dáng cùng mức giá 168 triệu đồng khiến Bảo ưng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Bất ngờ thay, dù đã ưng ngay nhưng Bảo vẫn chưa quyết định mua xe vội vàng. Thay vào đó, chàng sinh viên Công Đoàn tìm hiểu kĩ hơn về chiếc xe này và được biết, thời điểm cao trào, giá bán của Honda CBR250RR nhập khẩu từng có lúc lên tới gần 230 triệu đồng tại Sài Gòn năm 2017. Honda CBR250RR thế hệ mới được ra mắt toàn cầu vào năm 2016, lần đầu được phân phối qua các nhà nhập khẩu tư nhân vào tháng 7/2017. Chính vì thế, mức giá được các nhà nhập khẩu tự ý đẩy lên cao vì xuất phát từ nhu cầu săn tìm xe của người chơi thời điểm đó.
Nhận thấy mức giá đã dễ chịu hơn, Bảo quyết định mua chiếc xe về và hài lòng với những ưu điểm vốn có của Honda CBR250RR.
“So với các đối thủ cùng phân khúc, giá bán của CBR250RR có cao hơn, nhưng thiết kế của chiếc xe này góc cạnh và ‘ma mị’ hơn hẳn”, Bảo nhận định. Chưa kể, năm 2018 hiếm có mẫu xe nào trong phân khúc được trang bị cụm đèn full LED ở phía trước, bướm ga điện tử cùng 3 chế độ lái đi cùng bộ phuộc trước/sau hàng hiệu Showa. Ngoài ra, hệ thống phanh đĩa ABS 2 kênh hay màn hình điện tử hoàn toàn chỉ là những trang bị cơ bản của mẫu xe này. Với Bảo, dường như lựa chọn Honda CBR250RR thời điểm bấy giờ thực sự là một món hời.
Chàng sinh viên Hà thành cũng đánh giá cao Honda CBR250RR khi được trang bị động cơ xy-lanh đôi, dung tích 249,7 cc, cho công suất 37 mã lực tại 12.000 vòng/phút và mô-men xoắn 23,2 Nm tại 10.000 vòng/phút. Hộp số côn tay 6 cấp, hệ thống bướm ga điện tử Throttle by wire, có sẵn 3 chế độ lái gồm Comfort, Sport và Sport . Với sức mạnh của một chiếc xe 250 phân khối, Bảo cho rằng CBR250RR thực sự dễ điều khiển với người mới lần đầu chạy xe. Đặc biệt, chế độ comfort êm ái, đem lại sự dễ chịu khi phải lái trong phố đông. Nhưng khi cần sức mạnh, chế độ Sport đem lại khác biệt ở dải tua sau 7.000 vòng/phút.
Theo Bảo, những cú chồm ga là điều có thể cảm nhận rõ rệt trên chiếc xe này, thay vì ga hiền lành và từ từ như một số mẫu 300 phân khối mà anh đã từng chạy thử. Ngoài ra, khi lái một chiếc sportbike đẹp như CBR250RR, Bảo cũng thường nhận được chú ý của người đi đường. Đôi khi là cả những lời hỏi thăm về chiếc xe sau mỗi lần dừng đèn đỏ.
Nói về việc nuôi xe, Bảo khá hài lòng vì đúng với tiêu chí của thương hiệu Nhật: “Lành và bền”. Với một sinh viên như Bảo, việc đi làm thêm 1 tháng khoảng 4-5 triệu đồng là dư sức để nuôi được xe. Từ ngày sử dụng CBR250RR, Bảo chỉ tốn khoản chi phí bảo dưỡng định kì như: thay dầu, thay lọc nhớt. Mỗi lần thay dầu sau 3.000km hết khoảng 1 triệu đồng, nhưng với Bảo, để đi hết 3.000km, Bảo thường mất từ 3 tới 4 tháng.
Ngoài ra, kể từ ngày mua chiếc xe, Bảo cũng chưa gặp hiện tượng gì để phải thay thế hay sửa chữa lớn. Có chăng, Bảo đã thay một bộ lốp Michelin Pilot Street 4 để thoả mãn về trải nghiệm hơn. Còn nói về xăng cộ, Honda CBR250RR mất khoảng 3-4L/100km khi đi trong phố hay hỗn hợp, nhưng khi đi đường trường thì chỉ mất chưa đến 2,5L/100km – ngang với 1 chiếc Honda SH 150!
Sau 2 năm sử dụng thực tế và là phương tiện chính của mình, Bảo vẫn hài lòng với những ưu điểm vốn có của Honda CBR250RR. Song, nhược điểm là điều không thể thiếu. 3 chế độ lái tuy có đem lại cảm xúc sau dải vòng tua 7.000 vòng/phút nhưng nước đề gần như không có sự khác biệt.
Bên cạnh đó, nếu như bộ phuộc Showa nhận được nhiều lời khen thần thánh của “cư dân mạng” thì thực tế, nó lại rất mềm và không thể điều chỉnh được. Chính vì thế, mỗi lần ôm cua ở tốc độ cao, Honda CBR250RR không thực sự khiến Bảo yên tâm. Hơn nữa, nếu tại thời điểm 2018, bộ phuộc Showa vàng óng khiến Bảo khá hãnh diện thì tới năm 2019, Honda đưa về mẫu naked-bike CB150R chính hãng cũng bộ phuộc Showa, nhưng lại có kích thước lớn hơn (41mm so với 37mm trên CBR). Chính vì thế, khi nhìn lại chiếc xe của mình, Bảo cảm thấy bộ phuộc trên xe mỏng manh và kém “ngầu” hơn.
Để nói về nhận định: “Honda CBR250RR chưa xứng danh mác RR”, Bảo chia sẻ thêm: “Với em, mác RR của Honda nghĩa là phải mang được đầy đủ những tinh hoa của hãng xe nước Nhật. Cũng giống như Kawasaki có dòng ZX, và mới đây hãng xe này đã cho ra mắt chiếc ZX25R cũng 250 phân khối nhưng sử dụng động cơ 4 xy-lanh, đem lại âm thanh ống xả trầm ấm và quyến rũ hơn. Trong khi Honda CBR250RR vẫn chỉ đang sử dụng động cơ 2 xy-lanh”.
Ngoài ra, còn một chi tiết nhỏ nhưng Bảo vẫn không quên đề cập. Đó là chân chống trên chiếc Honda CBR250RR của mình. Chiếc chân chống khá đứng nên mỗi lần dựng xe, chiếc xe rất dễ bị đổ, đặc biệt khi có ai đó tự ý ngồi lên thử. Chưa hết, chiếc chân chống này chưa phải loại điện, nghĩa là dù chưa gạt hết lên thì bạn vẫn có vận hành chiếc xe, nên đã có vô số lần Bảo suýt ngã hụt vì chiếc chân chống khá đứng này của mình.
Kết lại cuộc chia sẻ, Bảo cho biết sau 2 năm sử dụng, anh đã khá mỏi với dáng ngồi thuần sport của Honda CBR250RR. Dù rất thích cảm giác của việc chạy một 1 chiếc sportbike khi đi tour cũng như thường nhận được cái nhìn của người xung quanh khi chạy phố, nhưng việc đau lưng, mỏi vai hay tê tay sau thời gian chạy xe là điều không tránh khỏi.
Chưa kể, việc chạy CBR250RR cũng khiến Bảo khó đèo bạn gái hơn. Và cuối cùng, sau một thời gian chạy xe, 250 phân khối đã trở nên “nhẹ đô” hơn so với Bảo. Chính vì thế, dự định sớm nhất của Bảo sẽ là chuyển sang 1 chiếc Scambler của Ducati hoặc 1 chiếc Naked-bike Street Triple của Triumph.