Nghị định 100/2019/NĐ-CP được áp dụng từ đầu năm 2020 đã có những thay đổi lớn về mức phạt nồng độ cồn khi điều khiển xe máy, mức phạt mới có sức răn đe rất mạnh đối với người vi phạm.
Cụ thể, mức xử phạt đối với các vi phạm của người điều khiển giao thông sử dụng rượu, bia, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 đã tăng nhiều so với lúc trước như sau:
Đối với xe máy
– Phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng (thông thường sẽ là 2,5 triệu đồng) nếu điều khiển xe máy mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Tức chỉ cần có nồng độ cồn là phạt. Cùng với đó anh em vi phạm sẽ còn bị tước bằng lái xe từ 10 đến 12 tháng.
– Phạt tiền từ 4 – 5 triệu đồng (thông thường là 4,5 triệu đồng) nếu điều khiển xe máy mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Kèm theo hình phạt bổ sung anh em sẽ bị tước bằng lái xe từ 16 đến 18 tháng.
– Phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng (thông thường sẽ là 7 triệu đồng) nếu điều khiển xe máy mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Hình phạt bổ sung với mức vi phạm này là anh em bị giam bằng lái xe từ 22 đến 24 tháng.
Anh em có thể thấy, các mức xử phạt về nồng độ cồn khi lái xe theo nghị định mới là rất cao, thế nên tuyệt đối đã lái xe thì đừng uống rượu bia.
Đừng để chỉ vì một ly bia ly rượu mà tốn cả tiền triệu còn bị tước bằng lái xe trong một thời gian dài, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chính anh em.
Một ly bia chẳng giúp anh em hãnh diện với bạn bè được bao nhiêu nhưng nó có thể đưa cuộc sống trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Anh em đặc biệt chú ý, khi ăn một số loại trái cây như vải thiều thì trong hơi thở vẫn có nồng độ cồn, nếu gặp trường hợp này anh em phải thông báo cho cán bộ CSGT biết để có cách kiểm tra khác, tránh tình trạng bị phạt oan nhé.