1. Đứt hoặc cháy cầu chì
Cầu chì là bộ phận nối giữa hệ thống đề xe và ắc quy, trên xe côn tay hoặc xe số nó thường nằm ở bên hông hoặc dưới yên xe, còn xe tay ga thường được đặt ở phía trước yếm hoặc chỗ để chân.
Khi cầu chì bị cháy sẽ làm cho xe mất điện không khởi động được.
Các dấu hiệu khi cầu chì bị đứt là đèn hiển thị không sáng, còi xi nhan bấm không kêu, bật chìa khoá điện không lên.
Một số dòng xe số hoặc những xe có giò đạp khởi động thì anh em vẫn có thể sử dụng để kích nổ và di chuyển. Nhưng hiện nay, đa số xe côn tay đều đã loại bỏ giò đạp và xe tay ga nếu như bị đứt cầu chì sẽ làm ảnh hưởng đến bộ đề và chỉ còn cách đến tiệm thay một cái cầu chì mới.
“Có thể vô số quay bánh với xe côn tay để khởi động nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời, trước sau cũng phải thay cầu chì mới.”
Các nguyên nhân chính dẫn đến đứt cầu chì:
- Xe bị quá nhiệt do di chuyển trên đường kẹt xe, chạy tốc độ cao trong thời gian dài hoặc điều kiện như đường gồ ghề, thời tiết bên ngoài quá nóng.
- Độ các phụ kiện liên quan đến điện như đèn trợ sáng, còi hú, đèn chớp không đúng cách gây quá tải.
- Bị chuột hoặc các con vật khác cắn dây khiến cho mạch điện không ổn định.
2. Bình Ắc quy chết hoặc thiếu điện
Nguyên nhân chính là do người dùng quên tắt máy xe trong suốt thời gian dài, khiến cho hệ thống điện ngốn hết điện trong bình ắc quy.
Ngoài ra, bình điện khi sử dụng lâu ngày cũng có thể bị hỏng và mất khả năng tích điện, với lỗi này chỉ cần thay mới để xe có thể hoạt động trở lại bình thường.
Đa số những dòng xe hiện nay đều sử dụng bình ắc quy khô, có tuổi thọ khoảng 2 năm. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng bởi thói quen sử dụng xe, nếu như có sự bảo quản tốt chắc chắn thời gian dùng sẽ lâu hơn.
Anh em nên tránh để xe quá lâu không sử dụng, làm điện năng của bình xuống dưới mức có thể khởi động (hết bình). Trường hợp không cần dùng xe dài ngày, anh em cũng phải chịu khó khởi động (có thể nhờ người nhà) mỗi tuần một lần hoặc mỗi ngày để duy trình dòng điện trong bình (nuôi bình).
Vài dấu hiệu báo hư bình ắc quy như đề xe khó nổ, bóp còi xe nghe tiếng nhỏ và rè.
Một khi khả năng phóng điện của bình ắc quy yếu, đề khó nổ, anh em cần phải tháo ra và mang đi sạc. Lưu ý rằng bình khô chỉ cho phép chúng ta sạc điện 1 hay 2 lần sau đó không còn lưu điện nữa.
Những vấn đề về điện nên được giải quyết sớm để tránh hư hỏng nặng hơn và ảnh hưởng tới bộ sạc, mâm lửa, củ đề…
3. Hư hỏng ổ khóa
Bên trong ổ khóa bị trục trặc dẫn tới khóa không thể đóng mở phần tiếp xúc điện từ ắc quy dẫn tới máy, cũng là nguyên nhân gây mất điện và không thể cung cấp điện cho các bộ phận khác của xe.
Cách khắc phục cần phải tháo ổ khóa ra và sửa phần bên trong, đó là phần tiếp xúc điện khi bật tắt chìa khóa.
4. Lỗi hệ thống chống trộm
Các thiết bị điện tử luôn có những rủi ro hỏng hóc bất cứ lúc nào. Khóa chống trộm cũng không phải là ngoại lệ, khi vốn dĩ đã được mã hoá cài đặt đồng bộ với xe.
Hệ thống chốm trộm đôi khi bị nhiễu sóng, hiểu sai mệnh lệnh và không cho khởi động xe. Một số loại khóa thông minh đôi khi cũng xuất hiện tình trạng tương tự hay remote hết pin cũng không thể nào mở hệ thống điện lên được.
5. Hệ thống đề bị lỗi
Những tiếng tách tách xuất hiện khi đề máy nhưng động cơ lại không hoạt động có thể là báo hiệu cho bộ đề bị lỗi.
Bộ phận này thường rất khó hư nhưng cũng không được chủ quan, thường những xe cũ hoặc xe độ rất hay gặp trường hợp này.
Trên đây là một vài trường hợp dẫn đến xe máy bị mất điện, anh em cũng lưu ý để không bị gặp phải, tránh những phiền phức không đáng có nhé!