Chiếc xe máy của Steve Jobs đã truyền cảm hứng cho những thiết kế của Apple. Gần đây, Apple mới di dời trụ sở chính của hãng tới toà nhà trị giá hàng tỷ đô la với thiết kế mô phỏng chiếc đĩa bay. Việc đó khiến tôi nhớ lại một kỷ niệm về lần tới thăm trụ sở đầu tiên của hãng trong quá khứ.
Đầu những năm 1980, khi còn đang học trung học, tôi đã bay đến Reno, Nevada để thăm chị của mình. Chị tôi chuyển đến Nevada vì công việc. Vì tôi chưa bao giờ đến San Francisco, nên chúng tôi quyết định đi một chuyến tham quan vòng quanh kéo dài khoảng bốn tiếng lái xe. Nếu như hầu hết những đứa trẻ vị thành niên tầm tuổi tôi lúc ấy đều háo hức để xem cầu Cổng Vàng hoặc nhà tù Alcatraz nổi tiếng, thì tôi lại có một kế hoạch hoàn toàn khác. Tôi muốn tìm hiểu và thăm thú San Francisco; nhưng đồng thời tôi cũng muốn tới thẳng phía Nam để đến Cupertino, nơi mà tôi có thể ghé thăm trụ sở chính của hãng Apple. Và nếu may mắn thậm chí tôi còn có thể được nhìn thấy huyền thoại Steve Jobs bằng xương, bằng thịt.
Không có lý do gì để Apple chào đón mấy vị khách không mời tuổi teen, bỗng dưng xuất hiện trước hành lang của họ. Hai chị em tôi vẫn quyết định lái xe đến Cupertino. Chúng tôi tới văn phòng chính, đậu xe rồi cứ thế đi thẳng vào trụ sở.
Và đó là khi tôi nhìn thấy chiếc xe máy BMW của Steve Jobs. Nó được đậu ngay bên trong sảnh đợi, giữa hàng loạt các máy trò chơi điện tử và những chiếc ghế sofa. “Thật kỳ quặc!”, ý nghĩ của tôi vụt hiện, “nhưng cũng thật ngầu”. Cảnh tượng này, tôi còn được nhắc nhớ khi đọc những dòng tiểu sử mà Walter Isaacson đã chắp bút viết về Steve Jobs. Trong cuốn tiểu sử, Isaacson viết rằng bằng cách đậu chiếc xe máy BMW của mình cùng với một chiếc piano của Bsendorfer trong sảnh, Jobs cảm thấy ông được tiếp nguồn cảm hứng từ thiết kế toàn mỹ và tinh xảo đó. Chiếc xe của Jobs là chiếc 1966 BMW R60/2, một thiết kế kinh điển mà bất kì dân chơi xe trên thế giới đều ao ước được sở hữu. Thiết kế đó được yêu thích cùng năm tháng khẳng định tên tuổi thương hiệu BMW, hãng đã sản xuất khoảng hơn 20.000 chiếc từ năm 1956 đến năm 1969.
Mặc dù, xe máy BMW ở Mỹ không nổi tiếng bằng Harley Davidson, nhưng chiếc BMW R60/2 này có thể được coi là tiêu chuẩn cho tay nghề và kỹ thuật điêu luyện của nước Đức. Xe máy BMW được khẳng định về sự thoải mái khi đi đường trường, độ bền cao, kiểu dáng độc đáo cá tính mà vẫn giữ được vẻ thanh lịch, được sản xuất với duy nhất màu đen có các đường kẻ sọc trắng làm nổi bật thêm thiết kế phần khung viền. Với cỗ máy 600cc và 30 mã lực cho phép Jobs trải nghiệm cảm giác du hành thời gian. Và chúng ta càng nhìn vào cuộc đời của Jobs thì càng hiểu lý do ông lựa chọn chiếc xe này. Bởi vì khi bạn là một người có tầm nhìn xa, bạn phải đi trước thời đại của mình. Chiếc xe của Jobs dường như tương đồng với triết lý thiết kế của Apple: “Một sản phẩm có thể thay lời muốn nói về những giá trị” và “phát triển sản phẩm sao cho chúng dường như trở nên bất biến”.
Một bài viết trên National Geographic năm 1982 về Thung lũng Silicon cũng như ngành công nghiệp máy tính cá nhân non trẻ đã mô tả chiếc mô tô BMW của Jobs như một lớp nền tương phản thú vị, nổi trội hơn cả so các phương tiện cá nhân khác của ông. Chỉ 2 năm sau hình ảnh Jobs phóng khoáng với chiếc mô tô của mình, ông cho ra mắt phiên bản đầu tiên của chiếc Macintosh. Đó là chiếc máy tính cá nhân thương mại đầu tiên sử dụng giao diện người dùng đồ họa đã đưa Apple lên một tầm cao mới.
Mặc dù, Jobs vẫn thường lái chiếc Mercedes hữu dụng, nhưng sự thành công dường như không làm mất đi sở thích riêng của chàng người hùng thời đại máy tính này. Một người bạn của ông kể: “Jobs vẫn thường thích phóng mô tô đến nhà tôi trong bộ áo sơ mi kẻ với quần jean, ngồi thưởng rượu và bàn về những điều chúng tôi sẽ làm”. Jobs vẫn yêu thích chiếc mô tô của mình ngay cả khi đã thành công và sử dụng nhiều phương tiện cá nhân tiện ích hơn. Những chiếc ghế xô pha dài để nằm nghỉ và máy bán đồ ăn nhanh, máy chơi games có thể là tiện ích rất quen thuộc với nhiều công ty về công nghệ hiện nay dành cho nhân viên. Tuy nhiên, tại thời điểm đó ở những ngày đầu của thung lũng Silicon, cách đãi ngộ này vẫn còn vô cùng xa lạ. Một đứa trẻ tuổi teen say mê máy tính cá nhân như tôi đã thần tượng Apple cùng những người sáng lập nó (Steve Jobs và Steve Wozniak).
Khi ấy, tôi chưa bao giờ bước chân vào một công ty máy tính nào cả – nên đó là một sự kiện quan trọng. Tôi không thể nhớ chị tôi đã biện minh cho sự xuất hiện đột ngột và vô cớ của chúng tôi ở trụ sở Apple khi đó ra sao. Chúng tôi vẫn được chào đón bởi một người phụ nữ thân thiện, đã đưa chúng tôi vào văn phòng của cô ấy. Tôi không còn nhớ rõ những gì cô ấy nói với chúng tôi, chỉ nhớ về chiếc áo thun màu vàng tươi được tặng làm quà lưu niệm cho chuyến tham quan. Ba thập niên sau đó, tôi vẫn cố giải mã ý nghĩa cảnh tượng tôi đã chứng kiến tại trụ sở chính của Apple. Một ví dụ về phương pháp thiết kế và kinh doanh mang tính hình tượng, xé toạc các quy tắc thông thường? Hay đó là phép ẩn dụ cho cái gọi là “Reality Distortion Field” (khả năng thay đổi thực tại) mà Steve Jobs vẫn dùng để truyền cảm hứng tới người khác? Dù nó mang ý nghĩa gì đi chăng nữa, đó vẫn là một cảnh tượng tuyệt vời mà hai chị em tôi biết ơn vì được thấy.