Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tính đến hết 2019, Trung Quốc có khoảng 2,58 triệu xe điện dùng pin (BEV). Trong khi đó ở châu Âu chưa tới một triệu xe, và Mỹ chỉ là 880.000 xe. Có nghĩa nếu tính về số lượng, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về xe điện.
Trung Quốc cũng chiếm 82% số trạm sạc nhanh cho xe điện trên toàn thế giới, đồng thời cũng có nhiều hơn số trạm sạc chậm so với phần còn lại của thế giới. Mới đây, mẫu Wuling Hongguang Mini EV đã đánh bại Tesla Model 3 về doanh số trong tháng Một.
Theo Nikkei, chính phủ Trung Quốc có kế hoạch đưa dòng xe sử dụng năng lượng mới chiếm một nửa doanh số ôtô mới tính đến 2035. Hạng mục xe “năng lượng mới” gồm cả xe điện và plug-in hybrid.
Những hãng xe Trung Quốc dưới đây có tiềm năng gây tác động lớn tới thị phần của Tesla ở Trung Quốc hay thậm chí ngay tại Mỹ.
BYD
BYD Tang – SUV chạy điện sắp bán tại châu Âu. Ảnh: BYD |
Hãng chuyên sản xuất ôtô con, xe buýt, xe tải, kể cả xe đạp, xe nâng và pin sạc. Dòng ôtô con của BYD gồm cả xe thuần điện, plug-in hybrid và xe dùng động cơ đốt trong.
Năm 2008, tỷ phú Warren Buffett mua 225 triệu cổ phiếu BYD, tức một khoản đầu tư tổng cộng 232 triệu USD. Đến tháng 10/2020, số cổ phiếu này có giá trị 4,5 tỷ USD, một lần nữa chứng minh danh tiếng của Buffet trong giới đầu tư hàng đầu thế giới.
Trong tháng 4/2020, ETaxiCo, hãng taxi điện mới của Australia công bố sáng kiến “Clean Air Taxi”. Công ty này dự kiến có 2.000 chiếc xe điện thuộc hãng BYD trong đội xe dịch vụ tính đến hết 2021.
Trong tháng 5/2020, BYD thông báo rằng họ có thể bắt đầu bán mẫu SUV Tang và một loạt xe thương mại ở Na Uy. BYD cũng là một phần của liên doanh với Daimler để sản xuất xe điện dưới thương hiệu Denza.
BJEV
α-T – xe điện đầu tiên của Arcfox thuộc BJEV. |
BJEV là một phân nhánh của BAIC và bán các mẫu xe điện dưới thương hiệu Arcfox. Trong 2013, Daimler mua 12% cổ phần ở BJEV và gây dấu ấn về thiết kế trên mẫu BAIC EU260, với ngoại hình hao hao Mercedes C-class.
ArcFox α-T (Alpha-T) là một chiếc crossover 5 chỗ và là sản phẩm đầu tiên của thương hiệu này. α-T được sản xuất từ 2020 và có giá khởi điểm 39.600 USD tại Trung Quốc.
SAIC
Xe điện MG ZS EV bán tại Australia. Ảnh: MG |
SAIC hiện là hãng xe lớn nhất Trung Quốc, sở hữu các thương hiệu con chuyên về xe điện như Maxus và Roewe kinh doanh tại thị trường nội địa. SAIC cũng là hãng mẹ của thương hiệu Anh MG với các mẫu xe điện bán ở thị trường Anh cũng như một số nơi khác trên thế giới.
Những mẫu phổ biến nhất của MG như ZS EV và MG5 EV. Trong đó MG5 EV là mẫu station wagon chạy điện đầu tiên có tại Anh. Gia nhập dòng sản phẩm của MG trong 2021 sẽ là MG E-Motion, với mức giá dự kiến 41.000 USD.
Wuling
Hongguang Mini EV – xe điện bán được gấp gần hai lần so với Tesla Model 3 trong tháng Một. Ảnh: Wuling |
Tesla hiện sản xuất Model 3 tại một nhà máy mới ở Thượng Hải. Sản phẩm này có giá 39.000 USD tại Trung Quốc.
Đối thủ vừa đánh bại Model 3 tại thị trường lớn nhất thế giới này là Wuling Hongguang Mini EV, một sản phẩm từ liên doanh SAIC-GM-Wuling. Hongguang Mini EV có giá bán lẻ chỉ khoảng 4.500 USD.
Những tính năng tiêu chuẩn của mẫu xe điện Trung Quốc như chống bó cứng phanh, phân bổ lực phanh điện tử, giám sát áp suất lốp, cảm biến đỗ xe phía sau, cửa kính chỉnh điện và hệ thống âm thanh stereo. Tuy nhiên, bản tiêu chuẩn lại không có điều hòa, thứ mà khách hàng cần chi thêm 500 USD để trang bị.
Điều thú vị là Hongguang Mini EV có thể sạc bằng đường điện tiêu chuẩn 240 V – thứ rất phổ biến tại các gia đình Mỹ, nơi đường điện này được dùng cho những thiết bị điện tử gia dụng như lò nướng hay máy sấy.
Nio
ET7 vừa ra mắt tại Trung Quốc, bán từ 2022 và đã nhận đặt cọc. Ảnh: Nio |
Có thể nhiều người đã quen với Nio – công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán New York, đồng thời là nhà tài trợ của một đội đua Formula E. Theo một bài viết mới đây trên Forbes, Nio đang lên kế hoạch ra mắt mẫu sedan ET7 trong 2022 và nhắm tới đối thủ Tesla Model S. Phiên bản cao nhất của ET7 sẽ trang bị gói pin 150 kWh, với hành trình hơn 1.000 km mỗi lần sạc.