Cuối 2020, Quốc Ân, 33 tuổi, Hà Nội tìm mua hai xe sang cùng lúc, một chiếc Lexus LX570 màu xám cho công ty và Porsche Cayenne Coupe màu đỏ cho cá nhân. Sau khi hỏi mua ở các đại lý chính hãng, anh được nhân viên bán hàng báo không có xe giao ngay. Thời gian chờ cho LX570 là 6-9 tháng, trong khi chiếc của Porsche đã hết hàng tới cuối 2021.
Nhưng chỉ hai ngày sau, có người mua LX570 giống chiếc anh chọn ngỏ ý muốn nhượng lại cọc với số tiền kênh khoảng 300 triệu đồng, có xe giao ngay, lý do là không có nhu cầu sử dụng. Trong khi đó chiếc Porsche Cayenne Coupe cũng màu đỏ lại được bán tại salon bên ngoài kênh khoảng 600 triệu đồng so với giá ban đầu.
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang khiến nguồn cung xe sang khó khăn, vì hầu hết là xe nhập khẩu, trừ một số dòng của Mercedes là lắp ráp. Hiếm hoi có BMW cũng nhập khẩu nhưng đủ hàng. Lợi dụng tình trạng này, các đại lý hoặc nhân viên bán hàng hay dùng chiêu trò để ép khách trả thêm tiền… Nếu việc tăng giá, ép mua phụ kiện đã quá quen thuộc thì hiện nay có một hình thức mới là gợi ý khách hàng mua của showroom bên ngoài. Thực chất, những xe của showroom bên ngoài, cũng là xe vừa mua từ đại lý chính hãng.
Chiếc LX570 chờ giao tại đại lý. |
Đại diện của Porsche cho biết, tình trạng này xảy ra thời gian gần đây, nhưng hãng cũng rất khó để kiểm soát, vì bản thân người bán kiếm lợi kia cũng là một khách hàng của hãng. Hãng xe Đức cố gắng luôn đảm bảo đủ xe để giao theo số lượng hợp đồng đã ký. Tuy vậy, nguồn cung hạn chế và tính cá nhân hóa cao (không xe nào giống xe nào) nên mỗi xe khách hàng thường phải chờ từ 6 tháng đến hơn một năm. Chính vì thế mới có tình trạng người buôn “ôm” xe trước, phục vụ cho các khách hàng có nhu cầu lấy xe ngay.
Với Lexus, cũng giống như Porsche, hãng xe Nhật giao đủ số xe đã ký theo năm. Thời gian chờ cho một xe 6 tháng hoặc 9 tháng cho màu hiếm. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp khách phải chờ lâu hơn và cũng có thể vào đúng giai đoạn chuyển giao năm cũ sang năm mới khiến khách hàng chưa hài lòng.
Không chỉ xảy ra với Lexus hay Porsche, tình trạng này còn xảy ra với các mẫu xe đang được quan tâm thời gian gần đây như Mercedes GLS, Toyota Land Crusier Prado hay Land Rover Defender do hạn chế nguồn cung, xe hãng không đủ cung cấp thị trường.
Theo một nhân viên bán xe sang lâu năm, khi tình trạng này xảy ra, ngoài việc người buôn xe tranh thủ kiếm lợi, “chắc chắn có sự hỗ trợ từ nhân viên trong hãng”, mang tính hệ thống. Nhân viên trong hãng sẽ tư vấn đặt hàng cho salon bởi nắm chắc lịch xe và số lượng xe được phân bổ, cũng như những xe “hot” (ít hàng, mới ra, được nhiều khách hàng quan tâm) hoặc màu hiếm. Thậm chí, nhiều nhân viên trong hãng còn đứng ra đặt xe dưới hình thức cọc ảo, giữ xe để ăn chênh lệch.
Cayenne Coupe trên cung đường hồ Đại Lải, Vĩnh Phúc. Ảnh: Hiển Nguyễn |
Không chỉ cọc ảo để giữ chỗ, nhiều người không phải nhân viên bán hàng của hãng nhưng cố tình tạo ra các trang web của hãng xe đó hoặc đứng ra bán như nhân viên trong hãng. Điều này sẽ làm người mua sẽ bị loạn thông tin, giá bán, thậm chí “giao tiền sai địa chỉ”.
Trước khi tìm hiểu mua xe, khách hàng nên tham khảo giá, thông tin đại lý chính hãng, ra tận nơi để gặp nhân viên tư vấn và nắm chắc thời gian đặt hàng bởi các mẫu xe sang thường sẽ có thời gian chờ trước khi nhận xe 3-6 tháng hoặc lâu hơn.
Sau hơn một tháng tìm xe, Ân không thể chốt được phương án nào đỡ mất tiền oan, cũng không muốn chờ đợi, nên anh hủy kế hoạch của Cayenne Coupe cho mình, và tìm mua chiếc LX570 cũ, đời 2018 cho công ty.
“Tôi không thể đi mua xe sang mà như đi xin – cho thời bao cấp”, Ân phân trần.